1. Trước Plato có lẽ đã có, nhưng chỉ từ Plato con người thế gian mới thật sự biết về "sự tồn tại phổ quát". Có lẽ em nghe sẽ rất quen: con người phổ quát, đạo đức phổ quát, tôn giáo phổ quát. Ý nghĩa của nó là thế này: có một cái gì chung là nguyên mẫu cho tất cả - Plato đặt tên nó là "ý niệm", em có thể hiểu ông đang nói: khởi nguyên, vì vào thời ông, ý-niệm là khởi-nguyên. Ý-niệm theo cách hiểu của ông không hề giống ý-niệm của con người bình thường: với con người bình thường, ý niệm là suy tưởng và nghĩ ngợi. Với Plato, ý-niệm là nguyên mẫu tối hảo - nói cách khác, Plato đánh cắp một Thần Thông của Thượng Đế xuống cho con người. Ông đã mừng rỡ về điều này, thậm chí còn viết hẳn một kiệt tác lớn nhất thế giới cổ đại, và kể cả đến nay, cuốn Republic, trong đó những cộng đồng Thần Thánh được ông đánh tráo bằng một cộng đồng thành bang, và từ đó một truyền thống Nhà nước cùng những suy tư về Nhà nước, cộng đồng, thể chế bùng lên ở châu Âu qua hơn hai thiên niên kỷ, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
2. Nếu quả có một cái gì đó lý tưởng và phổ quát mang tính nguyên mẫu và tốt nhất (kiểu như ý-niệm về cái bánh có trước cái bánh, và mọi cái bánh được làm ra chỉ là mô phỏng), thì phải có con-người phổ quát, con người nguyên mẫu và toàn hảo. Và nếu đúng thế (em có để ý thấy cả em cũng hay nghĩ như thế không? kiểu như con người là, xã hội là, cuộc đời là, người tốt là..- toàn những nguyên mẫu phổ quát), thì nghĩa là nhân gian này là có-thể-dạy-bảo được để tước bỏ cái không phổ quát và quay về cái phổ quát. Plato đã quả thật nghĩ thế, ông mở trường đại học tư đầu tiên của Châu Âu, nơi người ta chỉ trao đổi những chuyện cao quý nhất như toán học, thần học, linh hồn... Ông còn định đào tạo ra các đế vương-triết gia và để các đế vương-triết gia này thống trị nhân gian lẫn linh hồn con người. Nghe quen không? Nhưng ở châu Á, Khổng Tử còn đi xa hơn thế: ông thừa nhận Thiên Tính của con người là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín - thế là con người phổ quát có đủ các đức tính ấy, việc còn lại là giáo hóa (bằng cả dạy học và bằng cả việc làm gương cho người khác). Ông còn nghĩ thế này: nhà vua cần được giáo hóa, dưới đến các quan, thứ dân cũng cần, và nếu cả thiên hạ đều được giáo hóa thì xã hội sẽ quay về thời cực thịnh, thời Đại-Đồng. Lão Tử còn cực đoan hơn nữa: ông bảo rằng Thầy là Đạo, cứ theo Đạo thôi, chẳng phải giáo hóa ai cả - nghĩa là vạn vật đều đang được đạo Giáo Hóa, bỏ đi tư niệm vị kỉ sẽ thấy chỗ giáo hóa rất lớn ấy.
3. Phật Thích Ca có lẽ đã nghĩ theo một cách rất khác. Ông cho rằng con người về căn bản là vô minh và đọa trong các chủng chấp trước sa đọa - rằng ngay cả con người tiên thiên chẳng qua cũng vô minh thôi. Không thể giáo hóa con người nhân gian được, chỉ có thể giáo hóa con người muốn từ-bỏ nhân gian - người tu hành. Vì thế ông không mấy khi thuyết cho người nhân gian nghe, ông thuyết cho các đế vương, các thánh trí, các la hán, các bồ tát, các thần linh các cõi... 500 năm sau Thích Ca, Jesus ở vùng Trung Đông tin rằng con người quả thật mê mờ và vô minh, nhưng sẽ được cứu rỗi bằng ân điển của Chúa, và sự cảm ngộ một vị Thần bản nguyên sẽ là sự giáo hóa lớn nhất. Không hề ngẫu nhiên, khi những người tu của Bái Hỏa Giáo và sau này là Phật A Di Đà cũng giáo hóa theo cách đó. Nhưng thật khác biệt: với Thích Ca, sự giáo hóa là để viên mãn. Với Jesus, chỉ là để được cứu chuộc.
4. Có thể đúng là nhân gian vô minh: theo nghĩa đúng nhất, họ không biết gì về cái phổ quát. Họ cũng nói về con người, tôn giáo, đạo lý, nhà nước, xã hội... nhưng họ chỉ nói về cái phổ-biến. Với họ cái phổ-biến là cái phổ-quát (thì với họ, Thần là do người tạo ra). Ai cũng kiêu ngạo - vậy kiêu ngạo cũng tốt. Ai cũng khôn lỏi tham lam - vậy khôn lỏi tham lam là tốt. Ai cũng ích kỉ - vậy ích kỉ cũng tốt... Ai cũng... Cái thế giới ai-cũng, ai khôn thì sống ai dại thì chết của họ như thế đấy. Có điều, thật kì lạ, sau mọi điều, anh tin vào những gì phổ quát - anh tin rằng làm theo đạo đức, lương tâm, điều thánh sạch, tin vào những điều cao quý và lớn lao thì con người sẽ gần với cái phổ quát. Anh tin rằng bằng việc nhận chân ra cái phổ biến, chúng ta sẽ không đọa vào một nhân gian ai-cũng nữa.
5. Còn nếu không có con người phổ quát? Thì đừng hi vọng gì nữa. Ác cứ Ác. Thiện cứ Thiện. Được cứ Được. Mất cứ Mất. Nhưng em ơi, có một điều phổ quát chí cao, một điều thánh sạch hơn hết thảy, mát lành hơn tất thảy, ân huệ hơn tất cả, giáo hóa mọi điều nhỏ nhặt đến bao quát, chỉnh sửa cải hóa mọi thứ sai lệch và lạc lối, trừ bỏ mọi thứ tà ác lộn xộn - điều ấy...
Em đã biết chưa?
Hỡi con người sống giữa những phổ quát và phổ biến?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.