Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Không giữ người

Anh có viết một vài bình luận về Thái Cực. Dẫu sao Thái Cực vẫn là căn yếu của vật chất.

Có người học trò nọ, đọc xong liền tìm đọc thêm về Thái Cực, thấy có nhiều điều anh không giảng đến, rất tự đắc nghĩ: "Ta giỏi hơn Thày rồi, vì ta biết cà hai".

Người ấy học lớp thấp được, không học lớp cao được.

Lại được một thời gian, người ấy đem những điều người ấy biết về Thái Cực mà đi làm các công việc như xem bói, phong thủy. Rồi tự tổng hợp thành cách hiểu của mình, lại đọc thêm nhiều sách vở. Lúc này sở học đã khá. Có thể tự hào nói là Đúng.

Người này không học được, chỉ có thể hoại.

Anh liền trục xuất nó.

Nó quỳ xuống khóc mà rằng: "Ngộ có tội sao? Đúng thì sai sao?"

Anh bảo: "Ngươi sống đúng như con người nhân gian rồi. Nên trả ngươi cho nhân gian?"

Nó ngước lên trừng mắt hỏi: "Thày hẹp hòi thế sao? Muốn nhốt người trong tri kiến của mình sao?"

Anh mỉm cười bảo: "Ngươi muốn học sở học của đời, lại muốn biết theo cách của mình. Vậy ta trả ngươi cho ngươi, giả ngươi cho đời, lại còn oan khuất nữa sao?"

Nó vuốt nước mắt bước đi.

Có điều nước chảy từ mắt nó ra không phải nước mắt.

Chỉ là một dung dịch của con người đấy thôi!

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Không có Ơn

1. 

Khi Đức Thích Ca rời thế gian, khi ấy đệ tử của Ngài là Ma ha Ca Diếp đang dẫn tăng chúng đi truyền giáo. Mấy ngày sau có người báo cho Ma ha Ca Diếp biết. Tất cả bọn họ đều khóc thương vô cùng. Chỉ có một Tỳ Kheo trẻ thấy tất cả mọi người khóc thương liền bảo: "Khi đức Thế Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc."

Thế là Ngài Ma ha Ca Diếp liền triệu tập Đại hội kết tập lần thứ nhất để thống nhất giáo lí, kim ngôn của Phật.

Anh Tỳ Kheo trẻ kia có đáng trách không?

Trong Đại hội đó, ông A Nan, đệ tử trung thành bậc nhất, luôn đi theo hầu Phật lúc Ngài giảng bài và ghi nhớ mọi lời giảng, bị trách rằng: BIẾT Đức Thích Ca có thể không diệt độ mà ở lại nhân gian lâu hơn để phổ độ, vậy mà không xin Ngài ở lại.

Ông A Nan bảo, ấy là ma quỷ che mờ tâm trí mình.


2. 
Con người là con người. Người đang tu thì vẫn mang thân phàm xác thịt, vẫn sống như một mớ máu thịt xương da di động và sống để được tuân theo máu thịt da xương ấy.

Khi gặp được Thánh Nhân, người ấy nói cho con người rằng, các ngươi cao quý hơn thế. Có kẻ gục mặt xuống đất tiếp tục tìm kiếm xác thịt. Có người cười khẩy. Có người quỳ xuống xin được theo.

Nhưng xin được theo thì đã sao? Vẫn là máu thịt ấy, nghe đến giới luật, tôn nghiêm, nghe đến đời cao quý khổ hạnh bèn không chịu nổi, oán hận, ác ý.

Thích Ca có biết A Nan như thế không? Có biết anh tỳ kheo trẻ trung kia nghĩ thế không?

Có chứ!


3. 

Điều anh muốn nhìn, rốt cuộc, là xem những người đó có làm được điều đúng tốt mà anh mong mỏi ở họ không. Đã có những kẻ không chịu nổi giới luật khắt khe mà phỉ báng hãm hại Phật. Đã có cả đệ tử của Ngài mong Ngài sớm ra đi.

Thì anh sao cầu mong mình có điều tốt hơn Ngài được?

Nhưng anh có ơn hay không có ơn với họ, lẽ nào anh cần phải nghĩ biết nữa?

Ai đáng được gì, ai đáng nhận gì, không những đã nhận, mà sẽ còn nhận.

Có việc cần làm, thì làm đi!

Có việc phải làm, thì làm đi!

Có việc nên làm, thì làm đi!


Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Bất kính

1. Anh thường trao đổi với một người tu bên Chân Pháp về lòng ái-kính. Anh bảo, con người chỉ có thể nhìn sự việc từ góc độ con người, nên sẽ làm theo cách của con người. Kết quả của việc họ làm là nhân gian. Nên dẫu có từ Phật Pháp mà điểm hóa họ, thì dù họ gật đầu, lắc đầu, cúi lạy, dạ vâng,... họ sẽ đều theo tâm cảm nhân gian của họ mà hành sự. Lòng họ sợ Thần, nhưng không kính Thần, thì cũng là vô Thần.

2. Nó có con mắt của kẻ tham tiền, thực dụng, hưởng thụ, phóng túng, hung ác. Nó không biết rằng ngước nhìn Thần, mắt nó sẽ bị chọc mù. Con mắt thứ ba của nó đã bị phế hẳn rồi, nhưng vì còn hai mắt bằng thịt, nó tưởng mắt mình còn sáng lắm.

3. Hễ nó ra khỏi cửa Chùa thì làm điều ác độc bất kính vô Thần, nó tưởng không ai biết điều đấy, nên tự tung tự tác. Không biết rằng hỏa ngục dưới chân, đừng tưởng trà trộn nơi tôn kính, lấy lời đạo đức giả nạt nộ người ngay thì không ai biết tội. Da thịt thối rữa mà không hay biết, răng tóc bị thiêu cháy mà vẫn cố cười, chính là chưa biết tử hạn đáo kì, đều có thời điểm.

4. Đêm tĩnh vắng, đọc lại mấy đoạn Châm Ngôn của Sách Cựu Ước.


8 Ðức Chúa ghê tởm hy lễ của đứa ác,
nhưng ưa thích lời cầu của kẻ ngay.

9 Ðức Chúa ghê tởm lối sống của ác nhân,
nhưng mến thương người theo đuổi sự công chính.

10 Kẻ rời xa đường ngay chính sẽ bị nghiêm trị,
ai khinh thường lời sửa dạy sẽ phải mạng vong.

11 Âm phủ, âm ty còn phơi bày trước nhan Ðức Chúa,
huống chi là lòng dạ con người!

12 Kẻ nhạo báng không thích bị khiển trách,
cũng chẳng chịu đến với người khôn.

13 Lòng mừng vui làm hân hoan nét mặt,
lòng sầu muộn khiến tâm trí rã rời.

14 Trí người minh mẫn kiếm tìm tri thức,
miệng kẻ ngu si ham thích chuyện điên rồ.

15 Kẻ cùng khốn thấy ngày nào cũng xấu,
đời người vui là yến tiệc kéo dài.

16 Ít của ít tiền mà biết kính sợ Ðức Chúa
hơn có cả kho tàng mà cứ phải âu lo.

17 Thà bữa rau bữa cháo mà yêu thương nhau
còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận.

18 Kẻ nóng tính gây ra cãi vã,
người chậm giận làm dịu cuộc đôi co.

19 Ðường kẻ lười bị rào gai cản trở,
lối người ngay được bồi đắp thênh thang.

20 Con khôn làm hài lòng cha,
đứa dại không nể mặt mẹ.

21 Kẻ ngu si lấy điều dại làm vui,
người hiểu biết cứ thẳng đường mà tiến.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Tư tâm

1. Con người là con người. Chỉ có thể nghĩ theo cách của con người. Đến ngẩng lên nhìn Trời, cũng là nhìn từ chỗ của con người.

2. Chỗ rất con người, ấy là Tư tâm. Trong tư tâm, chỉ có đố kị, ích kỉ, sở hữu, mong cầu, ngờ vực, rối loạn. Đó gọi là Lục tư niệm. Trong lục tư niệm, con người là người bằng cách cảm xúc và tư duy như một con người.

3. Anh chưa bao giờ nghĩ phải giải thích cho con người cách anh nghĩ. Chúng còn không tin nổi Thần là tồn tại, làm sao tin rằng anh là có-Thật.

4. Cho nên, vô minh thì cứ vô minh. Đó là nghiệp-chướng của con người. Có điều: Làm người, đừng bất kính với Thần.

5. Bỏ tư tâm, phải vô tâm mới được. Nhưng vô tâm trong cách nghĩ của người, thật sự hèn mạt, thật sự nông cạn. Muốn biết vô tâm là gì, phải bỏ tâm trước đó.

6. Nhưng bỏ tâm thế nào, cũng không như con người nghĩ. Nên, hãy đọc sách đi. Còn kịp đấy.