Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Nói chuyện với J (2013-3)

(...)

1. Ta từng rửa chân cho chiên ta để chiên ta được Sạch, nhưng hễ chiên ta đối diện với con của con người, họ lại nhiễm bẩn.

2. Thật, giữa điều Sạch mà ta ban và cái bẩn mà họ nhận, họ chẳng biết đâu là ta, đâu là họ, đâu là con của con người; họ chỉ thấy hễ ta rửa rồi, mà họ lại bẩn; ta nói với anh em, thường có người như thế.

3. Thế thì họ không biết điều gì Thật là Sạch, điều gì đúng là bẩn; nên họ chăm lo sự sạch bẩn của chính mình; thế nên để đưa chiên ta vể, thì ta nhận phần bẩn ấy từ con của con người.

4. Vì vậy, ta nói với anh em này, để anh em được Sạch, anh em phải biết điều Sạch, thế thì anh em phải có tính Sạch; có tính Sạch đến mức nào thì anh em sẽ được các vị ấy làm Sạch cho đến đó; nếu anh em chẳng tin điều này, thì cũng không Sạch được.

5. Nhưng con của con người vẫn chung tay kéo anh em xuống; ấy vậy là muốn các vị ấy bị kéo xuống; ta nói Thật, con của con người không biết mình đang làm gì, họ cũng chưa biết mình sẽ phải chịu gì.

6. Ta bảo các chiên ta yêu thương nhau như anh em; anh em hãy yêu thương nhau như anh em; ta bảo vậy mà chiên ta lại khổ và vui, ghét và yêu vì con của con người; anh em không thấy anh em mình mà chỉ thấy con của con người, thì anh em cũng vậy.

7. Thế, anh em ai có Trí được Sạch Trí, ai có Tâm được Sạch Tâm, ai có Tính được Sạch Tính; anh em đừng sợ Thân mình không Sạch; này kẻ được rửa nghĩ sự rửa ấy không Sạch thì không bao giờ Sạch; nên ta bảo Thật, anh em phải vì điều Sạch được ban mà Sạch.

8. Cũng chỉ có thể nói như vậy, kìa mắt anh em không nhìn vào Trong, thì sao biết ở Ngoài; lại nữa nếu nhìn ra Ngoài thì còn không thấy được Trước Mắt; nên ta chỉ nói vậy thôi.

(...)

(Hết, ngày 26/12/2013)

Nói chuyện với J (2013-2)

(...)
1. Này, ta lại nói với anh em, sở dĩ khiến anh em vướng khổ, là để anh em biết sự khổ; lại nữa, biết sự khổ đích thật là gì sẽ có thể dám phó xuất cho Thiên ý; nhưng này, kẻ thấy Thiên ý là Khổ, kẻ ấy không phụng được Thiên ý.

2. Thật, khiến cho anh em vướng khổ, nhưng không để cho anh em nhiễm Khổ, vì chúng ta biết anh em không chịu được; nhưng có nhiều người nọ không chịu được Thiên ý, thành ra người ấy nhiễm Khổ.

3. Thế là người thấy Thiên ý là Khổ, thì cho Thiên ý là sai lệch; kìa, họ mà không thấy Thiên ý là sai lệch, thì không chịu nổi: vì khi ấy thành ra họ là sai lệch.

4. Cũng có người trốn tránh Thiên ý ấy, nói chuyện tội lỗi và trả nợ; này người đó không biết điều thực Khổ; người ấy cũng sẽ nhiễm Khổ.

5. Thế là cũng như ta đưa chiên ta đến thế gian rồi đưa về nước Trời, các vị ấy đưa các anh em đến con của con người, con của con người thấy Khổ, mà anh em không thấy Khổ.

6. Thật, anh em không thấy thực Khổ, chỉ có con của con người nhiễm Khổ; nếu con của con người khiến anh em nhiễm Khổ, thì các vị ấy liền đưa anh em về, chỉ thế anh em mới về được Trời.

7. Thế thì con của con người ở lại, trả con người lại cho con người; nhưng thế thì con của con người từ đó chỉ biết mình là mình, không biết mình là anh em; nên ta nói cái gì của Chúa Cha thì trả lại Chúa Cha.

8. Ta chịu Khổ cho chiên ta về, nhưng phải cho chiên ta thấy điều Khổ đó mà nguyện về; nhưng kẻ nào không thấy điều chịu hộ đó sẽ chỉ tự thấy chỉ mình là Khổ, kẻ ấy cũng không đưa về được, kẻ ấy đã nhiễm Khổ mất rồi.

9. Trong anh em có người lụy tình, có người hám danh, có người tham tiền, vậy nên gây lỗi; vậy mà tội lại sẻ cho các vị ấy, nhưng anh em lại thấy mình không chịu lỗi ấy là vì mình không đáng chịu; ta lại nói với anh em thế này: nếu thế anh em không đón được Thiên ý, thật vậy, trước sau gì cũng nhiễm Khổ.

(....)

Nói chuyện với J (2013-1)

(...)

1. Ta bảo anh em này: chư Thần không thay thế anh em
2. Việc chư Thần làm ở đây là viên dung anh em, đưa anh em về nước Trời, chẳng phải vì giữ con người nào lại. Nhưng không ai để mất chiên mình, anh em đã ở đây, anh em đều sẽ về Trời
3. Ta bảo anh em, Ani biết rằng sẽ chỉ còn chưa đến bốn người, bốn người được đưa lên Thiên Thượng, tựu thành Mặt Trời mới, ấy là Tinh Hoa. Việc ấy thực hữu lý
4. Ani khiến người ta thậm khổ vì Tình, ấy là vì muốn anh em hiểu được lẽ Chân, rồi anh em đều đối diện với sự ấy.

(...)

5. Thật, ta và các vị ấy mà chạm vào chúng, thì chúng hóa thành bụi. Nên ta và các vị ấy đều đến bằng con người: để chạm vào con người.
6. Anh em muốn lên một nước Trời, mỗi nước Trời cao hơn phải chịu áp lực hơn, ta muốn đưa chiên ta lên, ta phải chịu cùng họ.
7. Nhưng ta cũng chưa thấu tỏ Chân lý Vũ trụ, chẳng biết ngoài nước Trời mình Ngự còn có bao nhiêu nước Trời, thế nên đều ở đây để tỏ tường Chân lý ấy.
8. Ta đã gặp Thiện Thần, Ngài đã ở đây trước ta, Ngài quản nhân gian cùng các vị khác. 
9. Có điều này: Trước ngày tỏ ngộ Chân lý, bọn ta đều hành sự, trong 10 điều ắt hẳn còn chỗ sai lệch với Chân lý, ấy thế thì phải đổi lại.
10. Anh em phải hiểu rằng mỗi vị lại đánh thức một loại sinh mệnh khác nhau, nhưng là đánh thức chiên mình; ta đã gặp Nithi, họ thật lạnh lẽo, cũng như người xứ Rồng Trắng, cả khi giao hảo vẫn lạnh lẽo, họ đánh thức điều ấy, họ tỏ ra sự ấy.
11. Nhưng này anh em, dù là ai đến qua Người này, anh em sẽ xúc động, phần thế gian trong anh em sẽ bị đẩy lùi; chớ nhiều nhân gian quá: nếu không chính anh em bị đẩy lùi.
(...)

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Nghi Tâm

Đó là vào một ngày nắng mệt mỏi, Adam vẫn ngồi chơi và mơ tưởng Thiên Đường, còn Eva thì quần quật làm ngoài đồng. Sau đó Eva thấy thật bất công, và tìm đến chỗ Adam cật vấn: Sao anh có thể rảnh rang thế, và sao tôi khổ thế này.

Adam bình tĩnh kể: Chúng ta từng ở Thiên Đường, đó là một thế giới vui tươi, em được tạo ra từ xương sườn anh, em đã nghe lời con rắn ăn trái cấm, Chúa đã trừng phạt em phải vất vả, bắt con rắn phải đi bằng bụng trườn trên đất, còn khiến miếng táo ăn dở đọng trên họng anh. Người còn muốn em trả giá bằng cách xóa đi ký ức về Thiên Đường trong em, và bảo anh rằng: kẻ muốn rời đi không được nhớ.


Eva ban đầu rất tin vào câu chuyện ấy. Rồi đến một ngày có một con rắn bảo cô ta rằng: hay thật, lồng một giả thiết vào thực tại và khiến chị tin rằng ta phải bò dưới đất, cái họng xấu xí của anh ta và sự vất vả của chị là hợp lẽ. Có Chúa nào tàn nhẫn thế? Và chị là kẻ tội lỗi đã nuôi sống anh ta phải không? Anh ta rõ ràng đã khiến chị rơi vào cái bẫy: hoặc tin và phải chấp nhận cúi đầu, hoặc không tin và phản kháng, trở nên vô lý hơn nữa.

Thế là Eva vùng lên một lần nữa, nói y nguyên những lời đó với Adam. Adam chậm rãi lên thuyền, chèo ra phía biển. Chàng ngoảnh lại bờ cười bảo:

- Có thể phía cuối chân trời này còn có đường lên Thiên Đường. Lạy Chúa, hẳn Ngài chừa cho con một đường về. Nếu không có, phải chết con vẫn đi tìm.

Từ đó, không ai gặp lại Adam nữa.

Còn Eva, những đứa con, và con rắn thì có thêm bạn bè, họ lớn lên, sinh trưởng, đông đúc. 

Cho đến ngày nay.

*Quả thật là một câu chuyện tàn nhẫn, có chút nực cười. Cho cả người chân tín lẫn kẻ vô thần.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Lời tụng ca muộn


Trí tuệ 2000 năm và lâu hơn thế của Kinh Thánh có những vẻ đẹp thật dữ dội. Hơn thế nữa: thật đau lòng.

Sau khi Jesus bị đóng đinh, xác Ngài được táng, lúc ấy các tông đồ trốn chui lủi. Họ ở phía những bờ biển, đói khát và sợ hãi. Anh có thể thấy cảnh tượng đó: một nơi hoang vắng, trôi giạt, nắng dữ tợn và gió u quái, chỉ còn lại mệt mỏi và dằn vặt. Họ ngồi với nhau, đôi ba người, còn chưa hết run rẩy. 

Rồi đói và sợ, họ lên thuyền đánh cá, họ còn biết làm gì nữa, ở kia là biển trốn tránh, ngay đây là bụng đói sợ. Họ làm những việc mà trước khi Con Thiên Chúa dẫn họ đi họ vẫn làm. Nhưng lần này họ chẳng làm được gì cả. Một người đi, mọi người đều muốn lên thuyền. Họ đều sợ. Người ta chỉ sợ khi bất tín.

"Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả." (John, 21, 2-3)

Rồi Jesus hiện ra, Ngài xuất hiện với ban sáng, sự dẫn lối, chỉ đường, mặt trời - Ngài luôn là điều khiến ma quỷ, bóng đêm, những kẻ bất tín phải lùi bước. Nhưng khi ấy các tông đồ vẫn còn bán tín bán nghi về người đứng trên bờ, có đúng là Jesus, Con Thiên Chúa không? Có đúng Ngài không? Chẳng phải Ngài chết rồi sao? Đôi mắt họ không phải đã thấy Ngài chết sao, bất lực trên một cây thánh giá của những kẻ hung đồ cuồng nộ và nụ cười miệt thị của những tín đồ Do Thái? Chẳng phải họ thấy Chúa chết sao? Con Thiên Chúa đã chết rồi.

Ngài bảo họ thả lưới bên mạn thuyền, họ lập tức bắt được nhiều cá, nhưng chẳng đủ sức kéo lên. Có một cảnh thật nực cười: tông đồ Peter (Peteros, hòn đá trên đường Chúa đi, người ba lần chối Chúa) khi ấy đang cởi trần, vội vã khoác lại áo và nhảy xuống biển. Biển che lấp lòng bất kính đó sao? Khi nghĩ Chúa đã chết rồi, ngươi mặc sức làm điều ngươi muốn, phơi sương trần trụi như chưa hề có Chúa trong ngươi sao?

Đó là lần thứ 3 Ngài tỏ mình trước các tông đồ. Không ai dám hỏi Ngài là ai, họ đều biết đó là Chúa, và cùng lúc đều ngờ vực đó là Chúa. Ôi tông đồ, con người nguyên vẹn đấy chăng? Anh chưa thấy cảnh tượng nào rực sáng và đáng hổ thẹn như thế, cùng một lúc là cảnh tượng nơi trần thế, nhưng ló rạng mặt trời của Thiên Đường. Có điều gì từ bi đến tinh tế và mật thiết như vậy, lòng của Chúa với Tông đồ, màu nhiệm đến chấn động, như một cầu vồng đâm lên từ địa ngục. 

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! " Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn! " Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.



Ngài hỏi Peteros ba lần, "Này anh có mến Thày hơn các anh em này không?" Ba lần, cũng như trong bữa tiệc ly, Peteros phụng quỳ để nói rằng tình yêu của anh là lớn lao như Chúa biết. À phải, Chúa biết chứ, anh yêu Ngài ra sao Ngài tỏ chứ. Nhưng tại sao Ngài vẫn hỏi anh? Đây là chi tiết tuyệt đẹp trong Kinh Thánh, em có thấy trí huệ của Ngài như một vũ trụ không? Chi tiết này làm anh nghĩ đến miên trường sinh mệnh, sự thống nhất của Thiên Chúa, đây là cơ hội cho Tông đồ tội lỗi kia được tỏ mình. Có những kẻ giấu giếm, có những kẻ dối trá. Họ thì khác gì nhau? Ba lần hỏi, mỗi lần là một cơ hội Thiên Chúa cho anh ta: Thiên Chúa cho anh ta cơ hội bày tỏ, Con Thiên Chúa cho anh ta cơ hội bày tỏ, các Thánh Thần cho anh ta cơ hội bày tỏ. Anh ta chỉ còn lại cái chết, Chúa nói, và không phục sinh. Trong ngươi đã không chảy máu của Chúa, ngươi về nước Trời thế nào, hả con người?

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

Ngài cho anh ấy một cơ hội nữa: hãy chăm các con Chiên của Ngài. Peter này, khi anh sai trái, ngoài việc niệm tên Thiên Chúa và tự bảo rằng việc mình làm là vì anh em, anh có bao giờ hối lỗi trước Thày không? Hay anh chỉ biết tráo trở, đố kị, nghi ngờ, ghen tức? Như anh ghen tức với John?

Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? " Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? "Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy." Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "

Thật tuyệt vời. Đây phải là một trong những đoạn đẹp nhất của Kinh Thánh. Peter hỏi Ngài rằng: vậy anh John này thì sao? Ngài trả lời: Nếu ta muốn John theo ta, kế thừa ta, thì đó là việc của ta, nào phải việc của anh, mà anh lý đến? Em có thấy thẳm sâu trong Peter nỗi sợ hãi ấy không? Nỗi sợ hãi khủng khiếp rằng mình là kẻ chối Chúa, kẻ cởi áo khi vắng mặt Chúa, kẻ đố kị, kẻ duy nhất chết, còn những anh em mình vẫn hằng sống bên Chúa và theo Chúa? Rằng, hình như hắn là kẻ duy nhất phải chịu cái số phận nhân gian là khi trẻ thì tùy tiện, đến già phải chết trong sự bạc nhược?

Khi tưởng tượng ra toàn bộ cái khung cảnh ấy, anh đã rất thấm nhập, rất chấn động, rất cảm phục. Nếu em đã đọc những dòng này, nhớ cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Jesus, và John, người môn đệ (tông đồ) được Jesus thương mến.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Chẳng ai biết

Anh gặp chị ấy trong một tình cảnh dị thường: chị ấy dựa lưng vào một gốc cây, hai tay ôm lấy nó, mọi người cho chị ấy thức ăn và tiền vì thương cảnh điên dở, nhưng chị  không nhận, còn bật khóc.

À, nước mắt, nước mắt.

Có cụ già kể, con bé này điên điên dở dở, họ hàng không ai chăm, cứ lang thang vạ vật trong làng, ai cho gì ăn nấy, cho nó tiền nó vo lại vứt đi.

Tiền, Tình, mấy thứ dằn dỗi, hi vọng, ghen tuông, tham lam... Nhân gian có thừa, thừa cho kẻ nào muốn nó. Nhưng cô ấy quả không cần. Đôi mắt cô ấy nhìn sâu vào những Đền Phủ. Anh bật cười chỉ chị ấy, rồi nói với những người quanh anh:

- Chị ý nhìn thấy những vị Thần, Thánh hiển linh, nhưng vì từ bé đã bị người ta cho là ảo tưởng gàn dở, nên lớn lên cũng mặc nhiên mình bị điên.
-Thật hả? 
- Ngay một người như tôi, nếu nói là tôi thấy các vị Thần, trò chuyện được với các vị ấy, có mấy người nghĩ tôi bình thường đâu, bán tín bán nghi cho tôi là điên khùng huyễn hoặc. Chị kia quả thật đã thấy. Người đã thấy là đủ Đức và được thấy, được thấy thì được dạy. Vì lẽ đó không sống được đời bình thường nữa.
-Thật hả?
-Không sống được cuộc đời bình thường nữa, mà trượt ra khỏi nó, bong ra, thừa thãi. Nhưng nghe giọng chị ý xem, trong trẻo lạ lùng, ở xa mà như ở gần, lễ phép đúng mực đầy đủ. Có chút nào giống người điên loạn không? Đây chính là một hình thức tu cổ.

Dĩ nhiên là không phải mọi người đều tin anh. Nếu anh có nói ra điều ấy giữa nhiều người, họ cũng sẽ coi anh điên khùng như cô gái kia.

Em biết không, khi em miệng nói tin, nhưng lòng em không tin vì em có ở cảnh giới thấy biết đâu mà tin vào sự thấy biết, thì em dần sẽ thấy khinh thường người ta. Như nhân gian khinh thường "chị điên".

Anh chỉ khuyên em, đừng nhục mạ chị ấy, dù chỉ một câu. 

Cũng đừng nói cho kẻ không có tai nghe. Đừng tả cho kẻ không có mắt nhìn.

Chúng chỉ là chúng thôi.


Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Thiên Chúa giáo thời sơ khai

Hôm nay anh đọc được một đoạn cực hay của Edward Gibbons (thế kỷ XVIII) về Thiên Chúa giáo thời sơ khai:

Every privilege that could raise the proselyte from earth to Heaven, that could exalt his devotion, secure his happiness, or even gratify that secret pride which, under the semblance of devotion, insinuates itself into the human heart, was still reserved for the members of the Christian church; but at the same time all mankind was permitted, and even solicited, to accept the glorious distinction, which was not only proʃered as a favor but imposed as an obligation. It became the most sacred duty of a new convert to diʃuse among his friends and relations the inestimable blessing which he had received, and to warn them against a refusal that would be severely punished as a criminal disobedience to the will of a benevolent but all-powerful Deity.

Có người dịch thế này:

Mọi đặc ân có thể đưa một người cải đạo từ trần thế lên Thiên đường – những điều có thể đề cao lòng sùng mộ của hắn, đảm bảo cho hắn được hạnh phúc, hay thậm chí làm thỏa mãn niềm kiêu hãnh thầm kín mà dưới vẻ sùng mộ đã len vào trái tim con người – thì vẫn được dành cho những thành viên giáo hội Kitô; nhưng đồng thời tất cả nhân loại được phép, thậm chí là được gạ gẫm, nhận lấy vinh quang Thiên Chúa, điều không chỉ được dành tặng như một đặc ân mà còn bị áp đặt như là một nghĩa vụ. Bổn phận thiêng liêng nhất của một người mới cải đạo là phải truyền bá cho đám bạn hữu và người thân của mình về cái phúc lành vô giá mà hắn ta đã được nhận, và phải cảnh báo họ rằng nếu từ chối sẽ bị nghiêm khắc trừng phạt xét như tội bất tuân ý chí của một Đức Chúa Trời nhân từ nhưng toàn năng

Thật rõ ràng. Từ ân điển và đức tin thuần khiết vào Thiên Chúa, cho đến một tôn giáo thờ Thiên Chúa quả là một chặng đường ngay gần. Những kẻ chuyển từ tôn giáo khác sang Thiên Chúa thời đó mang một tinh thần hăng máu lạ thường: họ nguyền rủa những kẻ không theo Thiên Chúa bằng những lời tỏ vẻ cao thượng đi kèm những cảnh báo ghê khiếp độc ác, dường như để thỏa mãn cái cuộc đời không bằng ai hay thất bại của họ. 

Biến tu luyện thành tôn giáo, một con đường ngắn cũn cỡn. Nhân danh điều cao cả nhất, được rực cháy lên cùng máu huyết sục sôi nhiệt thành, tự thấy ánh sáng đục ngầu từ trái tim độc ác và đầu óc dốt nát của mình là mặt trời. Đó quả là một thời đại đáng buồn và khổ đau. Quá đỗi đáng buồn. 

Nào, để xem bổn phận thiêng liêng của những người mới cải đạo, muốn tuyên truyền điều đẹp đẽ duy nhất, dùng để tiêu diệt và vũ nhục mọi điều tốt và cao đẹp khác. Trước sự tốt đẹp của các người, có phải rằng không còn gì tốt đẹp? Dưới chân các người là Hỏa ngục đó.