Nguyệt Quang mở mắt vì một luồng hào quang chói lọi. Ánh sáng mặt trời đối với con người có tác dụng giúp thần kinh thị giác truyền dẫn năng lượng tinh hoa vào não và khởi động hệ thống nguyên âm. Vì thế,
thật đau khổ cho kẻ mù, mọi tôn giáo đều biết thế. Vì thế, khi người ta lạc vào bóng đêm, thật đáng sợ. Một số người có căn cơ đặc biệt hơn thì ngay trên nhục
nhãn đã có khí tinh hoa, có thể tiếp cận và nhìn thấy các sinh
mệnh cao tầng. Số khác trên mặt có nhiều âm khí, dễ thấy ma quỷ. Còn một loại nữa, trong não vốn chứa đầy ác ý tà niệm, sinh ra
vốn là tà ác, đôi mắt và cái nhìn của họ đều dễ nhận ra vẻ đó. Tất thảy những vấn đề về mặt chính là vấn đề về quan niệm, tư tưởng, cấu trúc vật chất hậu thiên và quan hệ giữa chủ nguyên thần với các vật chất bề mặt. Lại nói về Nguyệt Quang, chàng ta sinh trưởng trong tiên cảnh, lớn lên trong thần học, lại nhận được ủy thác của Đại Linh giới, nên ánh sáng khiến chàng mở mắt hẳn phải rất đặc biệt.
Nhưng nhất thời Nguyệt Quang cũng không rõ ánh sáng đó là gì và từ đâu. Chàng thấy mình
đang nằm trên một cái giường làm bằng bạch ngọc, tỏa ra một trường ôn hòa dễ chịu, thỉnh thoảng ngân nga những âm thanh nghe như những mảnh kim loại nhỏ khẽ chạm vào nhau. Mãi một lúc sau chàng mới định hình được mình đang ở trong một động dài, trước mặt chàng là một vị to béo nhưng quắc thước, khuôn mặt có nét dữ tợn nhưng đôi mắt hết sức hiền lành, đang ngồi nhìn ra hướng cửa động. Người ấy không nhìn Nguyệt Quang, đoạn cất tiếng: "Tiểu tử, tỉnh rồi thì hãy đứng dậy đi, nhớ chạm ngón chân vào đất đều tiên, nhưng nhẹ nhàng
thôi vì việc đó giúp não ngươi hồi phục. Hơn nữa, nửa bàn chân trước hãy cố gắng đều lực, vì điều đó khiến nội tạng ngươi định lại. Cuối cùng, đừng chú trọng vào hơi thở, vì việc đó sẽ làm phổi tăng dịch, sẽ khiến ngươi hướng ngoại mà tò mò, tạp niệm sẽ làm nguyên âm rối loạn. Tất nhiên đừng cực đoan quá mà để mặc hơi thở, vì hơi thở cần hòa nhịp với tâm ý, đó là cách
tâm ý điều dẫn thân. Ta bảo đừng chú trọng, không có nghĩa là bỏ mặc". Nguyệt Quang nghe những lời ấy thấy rất chấn động, là vì vừa nghĩ đến đâu đã được giải đáp đến đó rồi. Hơn nữa người đối diện kia lại cho chàng một cảm giác thân thuộc khó tả. Chàng đứng lên đúng
theo hướng dẫn đó, đoạn vái mà thưa
rằng: "Xin ngài cho hỏi tiểu bối vì sao lại ở đây, mà đây là địa
phương nào, tiểu bối đã bao lâu rồi mới tỉnh?".
Vị kia gật đầu: "Ngươi không hỏi
ta là ai vì e rằng nếu ta là tà ma thì ta sẽ trở mặt quá sớm hoặc đề phòng ngươi. Ngươi không hỏi ai đưa ngươi đến đây vì muốn qua lời đáp của ta mà biết ta có can
dự đến sự việc về người không. Ngươi hỏi vì sao lại ở đây, địa phương nào, bao lâu rồi là muốn biết tâm tình ta đối với sự vụ này ra sao. Ngươi đừng
nhìn ta ngạc nhiên, ta biết mắt ngươi sẽ hơi nhướng lên ở mi dưới, vì ngươi là
người nhiều tâm cảm, mà mi dưới đại diện cho sự giao kết của tim và thận. Ta biết ngươi mang tư tâm, là vì hơi thở của ngươi có chút đứt đoạn không đều khi nói với ta, mà sự đứt đoạn ấy lại không do ngươi mệt mỏi, chính bởi ngươi có đề phòng với ta mà sinh ra. Lại nữa, tiểu tử, ngươi làm đúng
như ta bảo, là có ý e sợ ta thấy ngươi bất kính. Này
tiểu tử, sao nhỏ tuổi lại phải mang lấy tâm
tư phức tạp như thế?". Nguyệt Quang
nghe người kia nói, bất giác nghĩ thầm: "Người này thật kì lạ, chẳng cần tiên thuật có thể thấu suốt như vậy, nhưng tiên
thuật mới thật diệu kì thấu suốt, người này thực chỉ thấy cái vỏ của sự việc thôi". Người kia
lại nói:
"Tiểu tử, ngươi im lặng là vì đang nghĩ đấy
phải chăng? Ngươi có tướng mạo đẹp đẽ, chắc chắn sẽ tự phụ về điều đó. Khi bị người khác nhìn thấu tâm can mình, nửa
kính phục, nửa kia sẽ tìm cách bài
bác. Ngươi muốn bài bác ta, hoặc phải dựa trên điều không hay về ta, hoặc phải dựa trên việc ngươi có xuất xứ cao thượng tôn quý.
Này tiểu tử, nếu tâm ý của ngươi không khống chế được, tạp niệm tư tâm đều nhiều, tâm cảm dễ phát tác, thì tôn quý có nghĩa gì? Ngươi muốn bài bác ta, mà trí huệ chưa thấu được ta, thì sự bài bác ích kỉ đó để làm gì? Hay lắm, ta vừa nói đã cảm giác tai ngươi máy động từ sâu bên trong, chứng tỏ tinh hoa trong người
ngươi mạnh, vì thái cực tinh hoa ở tai cho thấy người ta gần với Đạo hay không. Tiểu tử, ngươi quả có ngộ tính, nhưng muốn phát
dương ngộ tính, cần buông tư tâm kiêu hãnh vô lối xuống, sau này ngươi sẽ có
được cái tự tại tuyệt lớn của người tu". Nguyệt Quang nghe thế bỗng thấy rất xấu hổ, vái tay thưa rằng:
"Tiền bối đã tỏ tường, tiểu bối thật nhỏ nhen. Xin tiền bối thông tri cho chút điều về sự xuất hiện của vãn bối nơi đây, vì cha mẹ
vãn bối có thể lâm nguy rồi, trong
lòng vãn bối thực sự rất nóng vội".
Vị kia không nói gì, chắp tay đứng dậy, thì ra vị ấy cũng không cao lớn
gì. Rồi cứ thế chầm chậm bước ra cửa động. Nguyệt Quang vội bước theo, lòng dạ thật rối bời. Vị kia vẫn không quay lại, nói rằng: "Người có Ngộ tính tốt tất có linh tính tốt, vì
linh tính thuộc về linh giới là cõi chân tướng của tam giới. Ngươi do tâm cảm phức tạp nên bỏ qua một sự chân chính đang nảy
sinh trong ngươi, ấy là cha mẹ ngươi vô sự rồi, đang ẩn nấp ở đâu đó. Tiểu tử, ngươi muốn sống với tâm cảm nghiệt ngã mệt mỏi trốn tránh đó đến bao giờ? 20 năm nữa? 200 năm nữa? Hay ngàn vạn năm nữa? Rồi thì cho ai và ngươi sẽ ra sao?". Nguyệt
Quang đích thực đang bối rối, vốn không có cách
nào hiểu ra chỗ từ ái của vị kia, vì dịch của nội tạng theo sự vội vã mà tiết ra liên tục, khiến bụng rất khó chịu, thận bị ức chế, tâm không định nổi, dù điều vị kia vừa nói thực không sai chút nào. Bất giác trong lòng còn nảy sinh ác ý, bèn đáp lại:
"Tiền bối nếu đúng là người cứu vãn bối, xin nhận một lạy của vãn bối, non xanh nước biếc còn đó, xin hẹn tái ngộ, nếu có dịp đền ơn, dẫu tử bất từ. Nay vãn bối có sự gấp gáp, xin được đi khỏi đây sớm cho". Nói xong Nguyệt Quang vái một vái, rồi hấp tấp ra khỏi cửa động mà đi.
Hóa ra ngoài cửa động là một bình nguyên bao la mát mẻ, rộng lớn không kể nổi, hoa nở đủ vạn sắc, nắng chiếu thực yên bình. Nguyệt Quang thấy cảnh ấy lòng bỗng dịu lại: "Chắc vị đó sống ở đây lâu rồi nên tâm trạng bình hòa. Thật kì lạ, dường như trong ta lại có
tiếng nói rằng nơi đây bình hòa như vậy là do tâm trạng của vị ấy". Nguyệt Quang gạt đi ý nghĩ đó, theo con đường nhỏ đi một mạch, càng đi càng thấy
cây cối lớn lao hơn, rồi đi mãi lại thấy nhỏ bé lại, nhưng màu sắc vẫn xanh mướt xen với ngàn hoa rực rỡ, chim chóc muông thú. Đi mãi theo con đường ấy, lại thấy một bình nguyên rất lớn. Nhưng cảnh vật quả rất quen thuộc, Nguyệt Quang bèn đi tiếp. Lại thấy cửa động và vị kia ở trước mặt. Nguyệt Quang đi hơn nửa ngày
đường, biết rằng đường đi thẳng chứ không quanh co,
nên hết sức kinh ngạc. Còn chưa kịp nói thì vị kia đã cất tiếng từ rất xa, mà giọng vang vọng như trong tai vậy:
"Mắt ngươi hơi động ở lông mày cả hai bên
cùng lúc, đó là biểu hiện của sự xúc động về trí, vì lông mày là cực
âm của âm, chính là nguyên trí,
nguyên trí đã động hẳn tinh thần vừa mệt mỏi, vừa kinh động. Miệng ngươi hơi thu ở cằm dưới, hẳn là đang thắc mắc về sự thể này? Nhân gian tuy chia ngàn lối khác nhau, mà thực ra
đi đâu cũng là một, nhưng không ai
biết mà nhận ra, nên gọi là bến mê. Còn nơi đây là Tâm ta, đi thẳng sẽ về, đi đúng sẽ quy Chân, nên ngươi mới càng đi càng gần ta,
mà dừng lại vẫn gần ta. Cảnh vật và thời gian không thay đổi, vì ta có bất động tâm".
Nguyệt Quang cũng từng nghe về kết giới, rằng những vị có pháp lực cao có thể tạo ra quanh mình một kết giới, trong đó đều vận hóa theo pháp lý
của vị ấy, nên còn gọi là pháp giới. Tử giới của Địa ngục Ác Thần thuộc loại khác, dùng ác niệm mật độ cao mà xâm nhiễm hậu thiên của người ta, khiến tất thảy giác quan đều biến đổi, muốn ly xa khỏi kết giới của Ác Thần cần có định lực cực cao, cho nên nhà
Phật thường giảng rằng trước ma cảnh phải định, tĩnh, hầu ma cảnh tự tan biến, dị tượng đều tan. Kẻ không giữ được tâm khi bị dị tượng can nhiễu, sẽ chuyển hẳn sang tà xâm ma nhiễm, thật đáng thương. Lại nói, Nguyệt Quang kinh tâm thưa rằng: "Ngài là bậc
nào mà tâm ngài có thể tạo ra pháp giới lớn đến vậy, vãn bối đi nửa ngày đường lại quay về đây". "Hảo hài tử, trong lúc
kinh tâm mà không sinh ác ý bất
bình, chứng tỏ tâm địa ngươi là thanh
sạch. Pháp giới của ta muốn xa rộng thì không cùng, muốn
nhỏ hẹp thì hạt cát trong hạt cát cũng không lọt nổi. Ngươi có biết làm sao mà ra khỏi pháp giới này
chăng?". Nguyệt Quang chợt thấy rùng mình, từ trong
tâm khảm một điều gì lại nổi lên, liền ngồi xuống theo thế đơn bàn, mắt nhắm lại suy nghĩ. "Vị này có bất động tâm, có pháp giới lớn, sao điều này với ta lại quen thuộc tựa hồ như đã được nghe biết. Sao ta không biết lại biết được? Nhưng trong ta cứ
như có người giảng cho ta nghe vậy". Nguyệt Quang
bèn cứ ngồi như vậy, nhập định càng sâu càng thấy,
cho đến khi đạt đến trạng thái vong ngã. Cứ thế được 12 canh giờ, thì bật dậy thốt lên:
"Ngũ trí Như Lai, ngài đã đạt đến Như Lai cảnh giới sao, đây là duy hóa từ Pháp giới trí của ngài, muốn thoát ra hoặc phải do Ngài cho phép, hoặc phải đạt đến pháp lý cao hơn Ngài, phải thế chăng".
Vị kia vẫn đứng đó, tựa hồ 12 canh giờ rồi mà không cử động, chỉ khẽ mỉm cười. Nguyệt Quang tâm cơ máy động: "Nếu ta học được Như Lai Pháp của vị này, có thể cứu cha mẹ ta, có thể trừ đi quỷ ác", nghĩ thế rồi định quỳ xuống vái một lạy, thì thấy chân tay cứng ngắc, không thể cử động được. Vị kia lên tiếng: "Ngươi không cần bái sư, ta sẽ dạy ngươi, chỉ cần ngươi làm cho ta một việc. Ngươi không cần hỏi việc gì, môi hãy khoan mấp
máy. Hãy nhớ rằng kẻ tâm dễ động thì lúc nào cũng xuất sinh được nghi tâm,
trong tu luyện đều không thể viên thành. Ngươi có trí huệ, lại dễ động tâm, sau này có thể
xuất sinh nghi tâm lớn với sư môn, không chừng
có thể tự huyễn ra cảnh tượng mà thù ghét ta, phạm
vào tội phản sư diệt môn chỉ khiến ngươi thê thảm. Nếu việc mà ta muốn ngươi thực hiện nói ra mà ngươi hiểu
được như ta muốn, thì ngươi là ta rồi đấy sao. Nếu việc mà ta muốn ngươi thực hiện nói ra mà ngươi không hiểu, nhưng ta vẫn nói,
thì ta là ngươi đấy sao. Vậy ngươi cứ tu luyện đến một mức, khi nào xuất sơn được, ta tự sẽ có đặt định". Nguyệt Quang không hiểu sao nghe mấy lời ấy bỗng thấy trong lòng thanh thản, dường như nỗi lo lắng về cha mẹ cũng vơi đi. Chàng không hiểu rằng pháp giới này màn
theo vật chất vô lượng bao dung, vô
lượng từ bi, trải qua nửa ngày đường và 12 canh giờ ngồi kết định vốn đã khiến chàng an tịnh được. Nguyệt Quang nhìn lên vị đó,
đoạn thưa rằng: "Xin cho con biết Danh người, kẻo kẻ ngu muội là Nguyệt Quang con đây không đủ trí huệ lại mạo phạm người".
Vị đó nhìn Nguyệt Quang chăm chú, đoạn nở một nụ cười, trong khóe mắt có ánh sáng lấp lánh như sao đêm: "Ngươi vốn đã biết ta rồi, chỉ là chưa thể gọi ra đó thôi. Cũng đừng gọi ta là Như Lai,
ta càng không cần ngươi ca ngợi hay nghĩ về ta là tốt hay xấu, niệm của ngươi không can dự với ta, sau này ngươi sẽ
hiểu".
Vậy là Nguyệt Quang bắt đầu tu luyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.