Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Sự thích thú ác độc

Trong tâm lý con người, có một hiện tượng tâm thần rất thú vị, và đáng ghê tởm: sự thích thú với đau khổ và suy bại của người khác.

Ví dụ thế này, có một người rất tốt với em, rồi một ngày người ấy qua đời. Em sẽ thấy rất đau khổ và có thể bật khóc, như thế cũng cho thấy em khá chân thành. Nhưng một sự thể sau đó xuất hiện: em nhớ về người ta và kì lạ thay, nhớ và cảm động nhất về lúc em bật khóc đó. Em có thể nói: vừa nghe tin, tôi thấy mình tê điếng và nước mắt cứ lăn dài. Nói cách khác, hiện tượng tâm thần ấy lập tức xảy ra: em thỏa mãn với sự cảm động của mình, thích thú và hạnh phúc về nó. Không phải sao, vào giây phút đó, em thấy mình có đủ mọi ý nghĩa và cao đẹp nhất. Em là con người. Hẳn vậy.

Ví dụ khác, có nhiều kẻ rất đau khổ và đầy cảm thương, hoặc xúc động khủng khiếp mỗi lần nhắc đến chuyện Jesus bị đóng đinh. Khi xúc động vì hình ảnh đó, họ thấy mình có nghĩa và tốt đẹp nhất, cứ như đang đồng nhất với Chúa vậy. Vì thế họ thích một cách khó hiểu hình ảnh Jesus bị đóng đinh trên thập giá. Họ nói rằng, hình ảnh đó cho thấy lòng yêu thương của Chúa đối với nhân loại. Nhưng họ làm sao giấu nổi sự thật rằng cảm giác thỏa mãn hạnh phúc khi được thương cảm Chúa.

Hiện tượng tâm thần này có biểu hiện trực tiếp hơn: thấy bị kích động với bất hạnh của người khác, hoặc thỏa mãn với bất hạnh của người khác. Triệu chứng mạnh hơn là sự thích thú khi bôi nhọ, giết người, tàn sát, trả thù...

Hiện tượng tâm thần này trong đức lý cổ gọi tên là: CÁI ÁC. Nó rất tầm thường, chỉ nên viết ra một cách giản đơn: cái ác. Cái ác dung tục, biết cách khơi gợi điều cao thượng để được tồn tại chính đáng. Hiện tượng tâm thần này đã cấu thành nên quan niệm của nhân loại, đến mức nỗi trăn trở về mối quan hệ giữa cái đẹp và cái ác trở thành một chủ đề rất lớn trong mỹ học và đạo đức học.

Em thử nghĩ xem: em thần tượng một ai đó, rồi mong người này bất hạnh, bị hủy hoại, bị chết đi. Thỉnh thoảng ý nghĩ đó xuất hiện. Nhưng em lại luôn nuôi dưỡng ý tưởng rằng mình cầu nguyện cho người đó điều tốt lành. Đừng vội mừng, sự cầu nguyện đó là chuẩn bị cho sự thỏa mãn khi thần tượng hoặc người em yêu quý chết, bị tổn thương, bị hủy hoại. Như 2 ví dụ anh đã nói ở trên. Đây chính là một phần nội hàm của pháp lý chính phản đồng xuất, thiện ác đồng tại.

Anh thì chẳng có ý kiến gì về việc người ta nên tốt hơn hay xấu đi thế nào. Khi em mang điều thực tốt đến cho ai, thì người đó vừa cảm kích em vừa chán ghét em. Khi em bảo họ sống một đời đức lý, thì họ vừa muốn sửa mình vừa muốn em bị hủy hoại. Trạng thái đó tồn tại trong bề mặt hoặc vi quan, ai mà biết được. An bài sau mỗi trạng thái đó càng chi li liên quan đến những pháp lý cao tầng khó mà em hiểu được.

Anh thì, chẳng quan tâm mấy nữa. Kẻ nói chuyện viên mãn Thần Phật các kiểu mà anh gặp, chẳng mấy ai chân tu. Toàn trốn tránh, tự ái, ác độc, giả dối, ngu dốt.

Nên anh chỉ cười thôi, anh không quan tâm đến con người. Anh có một giải pháp: chỉ giúp người chân chính, bỏ mặc kẻ giả ác.

Đấy. Chỉ giúp người chân chính.

Và không lý gì đến kẻ giả ác.

Nhưng anh nói vậy thôi, ở một thời không khác,

Anh đã làm những chuyện cần làm rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.