Hồi anh học Đại học, anh rất mê Lục Nhâm Đại độn và các thuyết văn minh Lạc Việt. Hồi đó, khi anh lên mạng tìm hiểu và đọc, người nổi tiếng nhất lúc ấy mà anh được trao đổi là bác Thiên Sứ, Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Bác ấy rất nổi tiếng. Thế rồi thời gian qua đi, anh không ở lại cuộc trao đổi với bác ấy nữa, cũng không đam mê Lạc Việt Độn toán của bác nữa. Anh được học nhiều điều khác, và anh đồng ý với những điều ngược hẳn những gì bác ấy đề xuất và tin tưởng.
Một ngày nọ anh thấy và nghe người ta cười nhạo bác ấy. Chê cười có. Coi làm trò đùa có. Dĩ nhiên những người tin vào lập thuyết của bác ấy vẫn nhiều. Không hiểu sao, dù có chính kiến về đúng hay sai, anh lại có chút tâm thấy cần bênh vực: đừng cười cợt những lập luận lý trí và cống hiến của bác ấy cho Huyền học, những gì bác ấy nêu ra và tranh luận để làm sáng tỏ nhiều điều cần nghĩ biết. Nhưng anh im lặng, và cười, chẳng bao giờ tham gia vào cuộc tranh luận về bác ấy.
Anh chẳng rõ kiếp trước bác và anh duyên nợ thế nào. Anh chỉ biết, khi còn trẻ, anh đã nợ ơn tư tưởng với bác ấy: bác ấy cho anh đam mê Huyền học, cho anh sức sống và nhiệt huyết, cho anh một con đường để đi và từ đó anh đã đi con đường của anh. Đi qua rồi, anh chưa từng quay lại đả kích bác ý, dù anh nhận thức tương phản với bác về mọi vấn đề.
Có một đạo lý nhỏ nhoi này, mà anh tin chưa bao giờ sai trái, rằng kẻ khinh bỉ hòn đá dưới chân mình, thì chẳng xứng bước chân trên hòn đá ấy.
Anh khinh bỉ một người anh nợ ơn tinh thần, cánh cửa đầu tiên đưa anh vào huyền học, thì anh không xứng bước vào Huyền học.
Đó là đạo lý tối thiểu. Em có thể gọi nó là biết ơn, là trân trọng nghĩa lý, là gì cũng được. Nhưng nếu không hiểu rõ nó và làm được nó
thì em chẳng là gì. Chẳng xứng đáng là gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.