Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Hư hình - Thực tướng

* Những việc được kể dưới đây là theo một giấc mơ, chẳng phải có ý giảng giải, cũng chẳng nói lên sự thực nào. Mà hay thay, sự thực chân chính cũng không ở đầu môi chót lưỡi*

Kiếp đó anh có mở một trường dạy Đạo nhỏ, ước chừng cứ 100 năm thu nhận 1  đến 2 người, đến khi trường chật kín học sinh thì anh có đến hơn 10 học sinh rồi. Một buổi nọ anh dẫn 10 đệ tử ấy đến nhìn lên một mỏm núi ngất ngưởng sắc bén, trên mỏm ấy có một hòn đá tưởng chừng sắp rơi, nhưng hẵng chưa rơi, mà có lẽ còn chưa rơi. Anh hỏi các học trò Sao mà tảng đá ấy chưa rơi, nói ta nghe. Một người đáp: Là vì mỏm núi có một luồng chân khí dâng lên, hóa hình thành đá chặn, khiến hòn đá kia muốn rơi cũng không rơi được. Anh mỉm cười. Một người khác đáp: Nhìn lên trời cao mây nhẹ, thấy gió mây thuận hòa, hướng chim trời cá bể đều yên ổn, sự tình đã yên ổn vậy, đá hẳn thuận theo yên ổn mà không rơi. Anh bật cười . Một người khác đáp: Tuy hòn đá ấy thế thì như muốn rơi, mà đã truyền tải một thái cực định hình gắn chặt vào nền đá, xu hướng rơi không mạnh bằng xu hướng định. Anh cười phá lên. Một người khác nữa gãi đầu nói: phàm sự thể trên đời đều có tính nhân quả tuần hoàn, duyên nghiệp bất tuyệt, Đá có duyên với Núi, không thể nói rơi là rơi. Một người khác chen vào: Hòn đá ấy còn chờ chư tiên thưởng lãm, có muốn rơi liệu được chăng.

Anh bảo các học trò: các trò nói không sai, nên rằng không đúng. Chính khi ấy một học trò râu ria nhìn anh cười: Thưa Thầy, hòn đá chưa rơi là vì nó chưa rơi, phải thế chăng? Anh hỏi: Con nghĩ sao mà thưa vậy? Cậu bé đó cúi lạy anh rồi đáp: Thưa Thầy, con nghĩ như sau: Đạo có Hư hình, lại có Thực tướng. Ví như mặt nước có sức căng của nước vậy. Sức căng ấy khiến nước là nước, đó là Hư Hình của nước. Nước được gọi là nước, đó là Thực tướng của Nước. Hòn đá kia có Hư hình là ở ngay đó. Lại có Thực tướng là ở ngay đó. Hư hình chưa rơi, thì Thực tướng rơi chăng? Nếu Hư hình chưa rơi, mà Thực tướng đã có sự rơi ấy, chẳng phải là điều nghịch Đạo chăng? Nếu đã đến buổi hòn đá cũng nghịch Đạo, thì chúng ta có còn nhìn thấy ngọn núi ấy nữa chăng?


Anh xoa đầu chàng trai, bảo nó rằng: Hay thay. Cho nên vật chất kẻ Lớn thì Vi quan liền lạc, vật chất kẻ tầm thường thì thô kệch rời rạc, đó là Hư hình của chúng. Sinh mệnh mà thuận theo Đạo, thì Hư hình ấy chính là Thực tướng, Thực tướng ấy cũng như Hư hình, nên gọi là từ Đạo mà sinh, theo Đạo mà diệt, sinh hay diệt đều vẫn bất tử, đầy đủ Hư hình Thực tướng. Nên chăng, kẻ ác sợ người Thiện, vì sinh mệnh Thiện ước chế kẻ Ác từ vi quan, cũng là từ Hư Hình, khiến cho thực tướng của chúng bị vô hiệu triệt để. Nên chăng, sự ước chế từ Vô Hình đó, chính là điều Thiện của nhà Đạo.


Chàng trai râu ria nhìn anh ngơ ngác, rồi thở dài: Bạch Thầy, vậy Thầy dạy chúng con thuận theo Đạo mà sinh diệt sao. Anh cười hỏi: Ta bảo các con thuận theo Đạo mà sinh diệt sao? Chàng râu ria đáp: Bạch Thầy, con thấy sinh mệnh vốn mang Khổ, Khổ là tự trong họ. Vì lẽ con thấy, Đạo thì bất diệt mà sinh mệnh lại có sinh có diệt. Sinh mệnh mà không như Đạo, thì có Hạnh Lạc nào chăng? Vừa có Thực tướng đã Khổ, ấy là Sinh đã Khổ. Hư hình Thực tướng vừa biến đổi đã mất mát, đó là Lão đã Khổ. Mất mát rồi khó mà phục hồi, ấy là Bệnh đã Khổ. Không phục hồi nổi mà mất đi Thực tướng, ấy là Tử là Khổ. Bạch Thầy, Thực tướng không giữ được, chỉ giữ được Hư Hình, chúng sinh thực là Khổ, Khổ ấy khiến Hư Hình trôi giạt mãi. Vậy con nên làm sao đây?


Anh gãi đầu đáp: Hay thay, con thấy được chỗ Khổ của Sinh mệnh chẳng hợp nhất với Đạo. Sao con dám nghĩ thuận theo Đạo là Khổ


Chàng râu ria lắc đầu: Bạch Thầy, Sinh Lão Bệnh Tử là Khổ của sinh mệnh ấy, cảm thụ ấy là chân thực như thế, hẳn phải vì sinh mệnh có Sinh Lão Bệnh Tử là vì vẫn trong luân hồi tam giới, là vì vốn thực lìa xa với Đạo?


Anh bật cười: Thuận theo Đạo có thể lìa xa Đạo chăng?


Chàng râu ria lại đáp: Đạo nếu chưa được thuyết cho tỏ tường, có thể thực sự thuận theo chăng? Thuận theo điều chưa tỏ tường, có phải là vô minh chăng thưa Thầy? Con thấy rằng đã đắc được Đạo, thì Hư Hình không đổi, Thực tướng bất biến. Đạo là bất sinh bất diệt, thì đắc Đạo cũng vô sinh vô diệt. Khi ấy không có Hư Hình, chẳng nói Thực tướng, chỉ nói viên mãn. Thưa Thầy, phải vậy chăng?


Anh nghe đến đó lấy làm băn khoăn lắm. Bỗng anh thở dài, hỏi: Con thấy ta sống 9000 năm, là nghịch Đạo chăng?


Chàng trai bật khóc, quỳ xuống thưa rằng: Con đến đây vì Đạo. Ngày nào Đắc Đạo, xin được trở về phụng dưỡng Thầy.


Thế là bọn anh chia cách 2500 năm. Mấy hôm trước vừa gặp lại chàng râu ria ấy.


Thế đấy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.