1. Trong tam giới, các nhân tố Nguyên-chất thường rất bao dung và quảng đại: Nguyên Thổ có thể chứa vạn vật, Nguyên Kim cấu thành vạn vật, Nguyên Thủy chu chuyển vạn vật, Nguyên Mộc nuôi dưỡng vạn vật, Nguyên Hỏa giao hòa vạn vật. Chỉ trượt một chút sang Âm-tính là khác: Âm tính Thổ khắc vạn vật, Âm tính Thủy chảy khỏi vạn vật, Âm tính Hỏa thiêu đốt vạn vật, Âm tính Kim sát thương vạn vật, Âm tính Mộc phá hoại vạn vật. Nên Nguyên chất không tương khắc, mà Âm chất mang tính tương khắc. Nguyên chất thì sinh. Âm tính thì diệt. Thế mà trong tam giới Nguyên chất là nguồn của Âm tính.
2. Người theo Đất, thuận với cửu cung, trước thì quảng đại như Nguyên chất, sau thì ước chế các Âm tính. Hễ bị các Âm-tính thao túng, sẽ sa vào làm tổn thương vạn vật, ở tầng Thượng Đẳng Thần tam giới đã tính là sát sinh, xét mà Ma chủng. Tam giới đã nghiêm minh thế, cao hơn nữa thì sao? Vì Đất theo Trời, nên sự quảng đại như Nguyên chất và ước chế các Âm tính chính là nương theo Vũ trụ Tinh tú. Vũ Trụ Tinh Tú Thiên thể lại là do đâu? Lại do Đạo, nên chính là theo được Vũ Trụ là dần về với Đạo. Người còn chưa đạt đến quảng đại của Đất, sao hiểu được Vô cùng của Vũ trụ, càng chẳng gần nổi vô tận hồng vi của Đạo. Đường đi khó thế.
3. Trí huệ về vạn vật có tên gọi khác là Diệu Quan Sát Trí. Ví như cầm lên tay một cái bút, thấy được vận hóa theo Đất-theo Trời-theo Đạo, nhờ đó nghe biết thấy thấu được vạn vật. Kẻ đạt đến đó thấy mình luôn ở trong một vũ trụ, động một niệm đã thấy ở các không gian khác nhau, kết nối với hết thảy. Ngược lại, kẻ vui với một đồng cướp thêm được, một vật mua thêm được, chút ngon trên cửa miệng, nhục dục trên thân thể, ác ý trong tâm trí... thì bất kể điều gì cũng không thấu biết - chúng càng đọc càng mù mờ dốt nát, càng sống càng độc ác lăn lộn. Vì một đằng là Thần. Phía kia là Ma. Ở giữa: súc sinh. Lăn lộn trong đó: con-người.
4. Ta với bạn uống chưa xong một chén trà: vậy mà bạn đã vội hóa loài giun bọ, ta đành đứng lên và đi tiếp. Ở rất cao, một niệm đã hết rồi. Hiềm vì, thường ngày chẳng tự ước chế tự nhìn nhận mình theo tiêu chuẩn của Đạo, Vũ Trụ, Thiên Địa, nên trong tâm lâu ngày sinh ra nghi tâm. Phải, thường ngày làm súc sinh mà không ngại, nên thấy con-người là chân lý, Thần Ma là huyễn hoặc. Đây là Óc-nhân-gian. Thường ngày chẳng ngại tìm đọc những thứ giải trí bẩn thỉu, lâu ngày thấy những điều trân quý chẳng qua cũng là trên một màn hình hiển thị, nên chẳng hiểu Kinh và Sách khác nhau thế nào. Thường ngày... thường quá phải không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.