Như mọi lần, anh thấy mình có một linh cảm không hay ho gì trước bản dịch đó. Dịch giả là một người có học thức, có lẽ cũng được nhiều người cho là giỏi giang. Hai lần đầu anh ý kiến về bản dịch, anh ý nổi điên lên và thể hiện sự vô học trọn vẹn của một kẻ có chữ. Anh nói với chị anh, xưa kia kẻ có chữ thường tử tế hơn đám lưu manh, kẻ yêu chữ thường tử tế hơn đám tiểu nhân. Giờ người ta dùng chữ mà khinh chữ, một chút tử tế cũng không có được.
Bản dịch ấy tệ thật. Anh chẳng muốn nói thêm về dịch giả nữa. Sự tranh cãi thường là vô ích, nó chỉ tăng thêm hận thù. Anh cũng chưa thấy người tử tế nào sống bằng hận thù và lăng nhục. Nên anh im lặng. Nếu chẳng phải Phật Đạo Thần, chí ít hãy là một người tốt. Người tốt, có trách nhiệm, có uy tín, nghiêm túc, chăm chỉ, lý trí... mà không làm được, thì người ta sẽ làm Thần Phật gì đây?
Anh đành phải động tay đến bản gốc, hiệu đính chỗ sai sót của dịch giả. Anh làm việc này thầm lặng thôi, dù không thoải mái gì. Anh ta không cần biết việc anh làm, mà anh cũng không cần anh ta hay ai biết. Vì điều tốt cuối cùng của sự thể này là cho tác phẩm và người đọc. Anh nghĩ đó là cách im lặng của anh.
Có người nói mình không muốn tâm sự với ai, và thấy mình cô độc. Nhưng thực ra họ không im lặng nổi. Họ cần phát tiết tâm cảm bằng bất cứ gì, từ cao đẹp cho đến thấp hèn. Sự im lặng thực sự không bao gồm bất cứ oán trách than vãn nào. Sự im lặng thực sự không có tủi hổ, không có phẫn uất, không có phản kháng. Sự im lặng trong oán hận và nghi ngờ thì khác gì sự ồn ào độc ác và ngu dốt?
Có thể vì trách nhiệm và sự nghiêm túc, anh sẽ từ chối việc hiệu đính tiếp bản dịch. Nhưng dù anh làm gì, nói gì, nghĩ gì, sự im lặng trong anh đang lớn lên.
Không ngừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.