Hôm nay ngồi nghĩ về sự thông thạo, nhân tiện anh có nghĩ tới món ăn. Đang rất hào hứng nên anh ghi lại một chút, nếu em có đọc thì cũng đừng bắt chước:
1. Căn bản của việc nấu là lửa và nước, tất thảy bao hàm trong lửa và nước. Vì lửa và nước là hai nhân tố giúp một sinh mệnh được chuyển hóa. Có hai thứ làm món ăn thành độc: thiếu lửa (hạ âm) và thừa nước (tiếm dương). Âm hỏa không đủ thì dương khí không chuyển hết, em sẽ ăn một món ăn còn lẫn dương khí của vật khác. Dương thủy mà thừa thì dịch của món ăn (âm thủy) sẽ đọng lại, em sẽ ăn một món đang chết dở. Này, mà loại người nào thích thiếu lửa thừa nước nhỉ?
2. Làm thịt băm phải nhớ là sau khi băm thịt thì dương khí bị phân tán, nếu lập tức cho vào nồi chảo dương khí ấy sẽ kết đọng nơi đáy nồi, sinh ra ấm ức bực bội, đó là dương độc (không thoát được nên tồn đọng). Người ta trước hết nên lấy muối (ít thôi, một thìa nhỏ rải được loanh quanh nồi chảo rồi) rải ra ven đáy nồi chảo, đợi chảy ra (là tiêu đi, bề ngoài thì nó co lại như cháy, bên trong là Kim Khí sinh Thủy khí, em thấy hạt muối nhỏ lại hơn 2/3 thì sự đã thành rồi) hết rồi chính là đủ-lửa, khi ấy Hỏa khí của lửa và Thủy khí của Nồi chảo đã hòa hợp, việc có thể tiến hành.
*Lưu ý, anh thường lấy 3 lạng thịt băm, 1 bát nước nhỏ, giã hạt tiêu ra, thả vào bát nước.
3. Sau đó hòa hạt tiêu với nước, đổ vào nồi chảo, đợi nước sôi lên đó là đủ-nước. Khi ấy Thủy Khí của món ăn đã hòa hợp với Hỏa Khí tinh hoa, Thủy Hỏa tương dung là điềm lành.
4. Rồi em đổ thịt băm vào, nhiều ít ra sao tùy em lượng định, nhớ rằng trước đó chớ ngâm tẩm vị của thịt, kẻo làm dương khí đã phân tán lại càng khó chuyển hóa, do việc ngâm tẩm sẽ khiến âm khí trì đọng hợp với dương khí phân tán mà tạo thành các thái cực nhỏ bảo trì rất khó thay đổi. Lại dùng đũa gỗ mà quấy trước đảo sau, được như vậy là đúng có chuyển, lại có biến. Quấy làm dương khí được xoay vòng, đảo làm âm khí được luân chuyển, được thế thì rất tốt.
5. Thịt nhạt, muối mặn, lấy hai nhân tố này mà điều hòa nhau. Có người cho vừng vào làm với thịt băm, thế cũng không tệ, nhưng kén người. Đợi màu đã đều rồi, thì em đã xong món. Làm việc này là vì sinh mệnh được tuần hoàn, là để Thiên Địa được tiếp diễn, nhân thể hòa với Âm Dương. Người đời thật kì quặc, nói rằng thuận với tự nhiên, mà chẳng hiểu cái lẽ Âm Dương là thế nào, thì thuận ra sao? Ví như người miệng nói từ bi, nhưng đến Thân mình còn tự tàn hại, thì Từ bi sao nổi? Thân còn lo chưa xong, Tâm Trí định thế nào? Đấy, nhưng đừng cực đoan, tránh điều xấu là đã làm điều tốt rồi.
Hôm nào rảnh, anh lại ngồi nấu tiếp. Hi vọng đãi em được một mâm có lòng thuận Đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.