Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Mary Baker Eddy (1)

(Science and Health, Trích dịch)

Lời cầu nguyện đích đáng cần đến trạng thái trầm tĩnh tự vấn lương tâm, đó chính là điểm mà kẻ tội đồ bộc lộ rõ ra phần đạo đức giả của mình. Ta cần gì phải tuyệt vọng nếu có một tâm can chí thành; nhưng hi vọng thật nhỏ nhoi biết bao cho những kẻ hiếm khi nào dám đối diện với phần dữ ác trong mình cũng như tìm cách lẩn trốn khỏi sự thật đó. Lời cầu nguyện của chúng rõ là chẳng liên can gì với bản chất trong chúng. Chúng giữ sợi liên hệ giấu giếm với tội lỗi, như những lời phán định vĩnh cửu của Đức Jesus, Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế [Matthew 23:27].

Nếu một kẻ nọ, dù bề ngoài trông như thể nhiệt tâm và sùng tín lắm, hóa ra lại chẳng thuần thành và vì thế còn giả dối, thì phải nói gì về kẻ ấy đây? Nếu hắn ta quả cao thượng như lời cầu nguyện của mình, vậy được. Nếu ta thật có nguyện, biết khiêm hạ, thật tri ân, và biết yêu thương như những lời cầu nguyện của mình - thì Thiên Chúa chứng cho điều ấy; và khôn ngoan ấy là đừng có cố tự lừa mình dối người, vì Không có gì che giấu mà sẽ không tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết [Luke 12:2, Matthew 10:26]. Lời cầu nguyện ồn ào nghe hay ho thường có vẻ như tình yêu thương vô tư của ai đó - nó thật ra bao che muôn vàn tội lỗi [1 Peter 4:8]. Còn cầu nguyện cho đức khiêm hạ bằng bất cứ biểu hiện nồng nhiệt nào cũng chẳng hề nói lên nguyện vọng đích thực là như thế. Nếu ta ngoảnh mặt với kẻ bần cùng, ta thật chẳng xứng nhận được ban thưởng từ Đấng phù trợ cho kẻ nghèo hèn. Chúng ta thú nhận rằng mình có một trái tim hư đốn và cầu cho nó được phơi bày trước chính mình, nhưng liệu chúng ta có thực sẵn lòng muốn biết nhiều về trái tim ấy hay cũng chỉ nhiều đến mức như khi cho người hàng xóm biết về nó?


Hãy tự vấn lương tâm đi và học lấy những điều gì là chân đích và tình nghĩa của tâm can, vì chỉ như thế ta mới thực thấu biết xem ta lương thiện đến độ nào. Nếu có bằng hữu bảo cho ta biết điều lầm lỗi nơi ta, ta liệu có kiên nhẫn lắng nghe những lời bóc tách và cảm ơn chân thành những gì được chỉ ra ấy? Hay chúng ta lại sẽ lịch sự nói cảm ơn và bảo, "ấy, nào phải tôi đâu"? Suốt nhiều năm chính tôi đã luôn thật lòng cảm tạ những lời khiển trách đích đáng. Có cả những điều sai quấy ẩn tàng trong sự chê trách ác ý - đó là một lầm lạc sẽ không khiến ai tốt lên vì nó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.