Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Cha luôn biết

Con vẫn nhớ đó là một ngày tuyết lạnh. Cha và tất cả các anh em con đều đứng ở cửa. Dáng Cha cao lớn, khuôn mặt Cha trầm tĩnh, ánh mắt Người khiến bầu trời như hửng nắng. Các anh con đều nhìn Cha rồi nhìn con. Họ vừa nghiêm nghị, vừa bối rối. Cha bảo:

- Ta yêu thương nó nhất, cứ để nó đi đi.

Con chỉ cao hơn đầu gối Cha một chút. Con đeo tay nải và quay lưng đi, sau lưng con là muôn trùng tuyết rơi. Con vừa đi vừa khóc, nhưng con phải làm sao để Cha và các anh đều không thấy con khóc. Con cắn chặt răng nhưng rất lạnh, môi con tứa máu, tóc con gần như bạc thếch. Chân con đau nhói, con thật muốn ngã xuống. Nhưng con phải bước. Con phải chứng minh rằng con đường con đi là đúng. Con phải chứng minh rằng con có thể thực hiện ý chí của Cha bằng cách của con. Cha luôn biết.

Thế là con đi qua bao nhiêu thung lũng và thành phố. Chân con cứng cáp và giẫm nát được những loài ác độc. Tay con gân guốc đủ sức bám lấy những vách núi và leo lên những ngọn mây. Bao nhiêu người nhân gian làm con đau, bao nhiêu người nhân gian hãm hại con, nhưng con không sợ. Vì Cha luôn biết.

Đến khi con hay tin Cha nơi này, thì cũng biết mình xa Cha vạn dặm. Con vẫn giẫm lên những loài độc ác, leo lên những ngọn núi cao, chạm tay vào những ngọn mây trắng xóa. Con người vẫn hành hạ con như thế. Nhưng khi nghe tiếng Cha, mắt con sáng hơn, lòng con trầm tĩnh. Lần đầu tiên con có thể nhìn thấy bầu trời hửng nắng. Dường như con có thể trở về với Cha và các anh qua một cơn bão tuyết vô cùng.

Đó là vì Cha luôn biết.

Và luôn yêu thương con nhất.


Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Hình dung Đức Jesus

Dưới đây là đoạn thư được cho là của Lentulus, Thái thú của Judea. Lá thư gửi Viện Nguyên Lão Rome.

Lentulus, Thái thú của dân Jerusalem, gửi tới Viện Nguyên Lão và Nhân dân lời chào thân ái. Ngay trong thời của chúng ta đây, vậy mà vẫn còn đang có một con người mang quyền năng và đức hạnh vĩ đại, Ngài ấy được gọi là Đức Ki-tô Jesus. Người dân gọi Ngài là Đấng tiên tri hay Chân lí, còn môn đồ thì gọi Ngài là con của Thiên Chúa. Ngài hồi sinh cái chết, chữa lành những kẻ tàn tật. Ngài ấy có vóc dáng trung bình, trông rất đáng kính, những người chịu ơn Ngài thì vừa tôn kính vừa yêu thương Ngài. Tóc Ngài màu quả phỉ chin, rũ xuống tai, từ dưới tai thì xoăn và cuộn lại, ánh lên thanh quang, bồng bềnh trên vai Ngài. Tóc Ngài rẽ ngôi giữa, đúng kiểu người Nazareth. Trán ngài cao nhã rất mực tươi sáng và gương mặt không tì vết, tô điểm với chút ửng hồng. Mũi và miệng Ngài đẹp hoàn hảo. Râu Ngài rậm, cùng màu với tóc, không dài lắm, mọc cả ở dưới cằm. Trông Ngài rất giản dị và sung mãn, mắt Ngài luôn lấp lánh. Khi Ngài quở trách ai cũng run sợ kinh hãi. Khi Ngài khuyên nhủ thì thật ngọt ngào hòa nhã, rất êm ái mà vẫn nghiêm trọng. Dáng Ngài thẳng, bàn tay và cánh tay Ngài đẹp đến kinh ngạc. Lời Ngài trang nghiêm, khiêm nhường và đúng mực. Giữa tất thảy con người nhân gian đây Ngài là điều đẹp đẽ vô thượng.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Mary Baker (3)

Vài lời: Ta hiểu Đức Ki-tô. 

Ngài chán ngán lối bạc nhược của chúng ta; Ngài biết cái quá đỗi sai trái của thứ niềm tin phàm tục, và Ngài đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành [I-sai-ah 53:5]. Ngài bị đời khinh khi và ruồng rẫy [I-sai-ah 53:3], nhưng Ngài đã ban phước dù bị nguyền rủa, Ngài dạy cho đám phàm nhân về một lẽ cao vời ngược với chúng, đó là thật tính của Thiên Chúa; để khi kẻ sai trái cảm thụ được quyền năng của Chân lí, lại cũng là khi thập giá và tai ương đón chờ Tôn sư vĩ đại ở phía trước. Nhưng Ngài đã tiến đến, Ngài chỉ biết phụng sự mệnh lệnh thần thiêng và thuần thành tin theo Thiên Chúa, để một lần nữa mở ra con đường băng qua tội lỗi đến với Thần linh.

Cái thứ niềm tin vật chất dần dần phải thấm lấy lời dạy của Tinh thần. Chân lí mới thực là trung tâm của mọi tôn giáo. Đó là lối vào chắc chắn nhất tới lãnh địa của Tình Yêu thương. Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta [Thư gửi tín hữu Do Thái 12:1] - nghĩa là ta hãy vứt bỏ những cảm giác và cái tôi phàm tục, vươn đén Quy lí Thần thiêng và Khoa học của phép chữa lành.

Nếu Chân lí đang chiến chắng những sai lầm ngay trong chính bước đường thường nhật của cũng như những cuộc giao tiếp của chúng ta, thì ta cuối cùng có thể nói: Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin [2 Ti-Mô-Thê 4:7], vì giờ đây ta đã thiện lành hơn rồi. Thế cũng có nghĩa là ta đã được chuộc tội và là một-phần-trong Chân lí cùng Tình Yêu thương. Hỡi những tín hữu Cơ đốc, đừng khốn khó và cầu nguyện như thế nữa, hãy nhìn vào sự tốt lành, sự chịu khổ và chiến thắng của những người khác đi, thế thì hãy cố mà đạt đến sự hòa hợp và được ban thưởng đó đi.


Nếu môn đồ đang trên con đường tinh tấn, người ấy sẽ nỗ lực để tấn tới. Người ấy sẽ hằng tránh xa những nẻo nhân gian, hướng đến những điều vĩnh viễn của Tinh thần. Nếu thật được thế, người ấy sẽ thành tín ngay từ ban đầu, mỗi ngày sẽ viên đắc thêm một chút trên chính đạo, cho đến khi nguyện đã toàn thành toàn mãn.
...

Khi khói lửa của cuộc đấu tranh nội tâm ấy tan đi, ta sẽ nhận lấy thiện lành mà ta đã thực thi, và nhận lấy những gì đáng ban thưởng. Tình Yêu thương nhanh thôi sẽ đưa ta khỏi cám dỗ, vì Tình yêu thương nghĩa là ta sẽ được thử thách và tịnh hóa.

Con đường đi tới sự giải thoát tối hậu khỏi sai phạm không trải hoa đâu, cũng không có sự đột phá trong đức tin nào mà không phải trải qua bao nỗ lực hành sự khác - nhưng đạt đến đó ta sẽ hân hoan trong cõi bất tử, thanh thản vô biên, vô nhiễm tội lỗi. Bất cứ ai lại đã tưởng rằng sự phẫn nộ trả thù của Thiên Chúa là một lẽ công bằng nào đó hoặc Thần linh được xoa dịu bằng cách khiến con người khốn khổ - kẻ ấy chẳng hiểu gì về Thiên Chúa.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Mary Baker (2)

Vài lời: Cuộc đời thánh giá của Baker phải hứng chịu bão táp, khổ nhục. Nhưng chưa bao giờ có trận kinh thiên động địa nào lay chuyển nổi tinh thần sắt đá phi thường của bà. Khi con đường của Bà mở lối đến Thiên Đường, thì tất cả những kẻ từng gây tổn thương lên bà đang lụn bại dằn vặt trong những xó xỉnh bẩn thỉu quên lãng. Mặc dù chúng còn cố mở miệng như thể chứng minh mình còn thoi thóp, thì chúng thực đã chết rồi. Chỉ là một năm, hai năm... để tận kiến quỷ dữ mục ruỗng rụng xuống, và nhìn rõ hơn ánh sáng vinh quang của Thiên Đàng.

"Can đảm lên, vì Thày đã thắng thế gian" [Ga 16:33]


Để cầu nguyện cho phải lẽ, hãy tiến vào căn buồng, đóng cửa lại. Ngậm chặt môi và đóng mọi giác quan. Trong thánh đường lặng im của mong ước thành khẩn, ta sẽ xóa bỏ tội lỗi và chứng nghiệm Thiên Chúa toàn năng. Gắng lên để vác được thánh giá, hãy cất bước với lòng son để hành sự và thấy biết trí huệ, Chân lí và Tình yêu thương. Đó chính là cầu nguyện không ngừng [Thê-xa-lô-ni-ca 5:16]. Lời cầu nguyện này tự đã được đáp lại, bởi ta đang thực thi chính chí nguyện của mình. Tôn sư đã huấn thị: hãy cầu nguyện trong kín đáo và để sự sống nơi ta tuyên thệ cho lòng thuần thành.

Những tín hữu Cơ đốc hân hoan trong sự ban tặng và vẻ đẹp cẩn mật, vô hình trước thế gian, nhưng được Thiên Chúa lí đến. Buông bỏ cái tôi, trở nên thuần khiết và biết yêu thương là những lời cầu nguyện hằng tại. Sự thực thi những điều ấy không chỉ là lời thề, cũng như thấu ngộ ấy không chỉ là đức tin, mà hãy là đôi tai và cánh tay phải của Đấng Tối cao, để được ban những ơn phép vô biên. Đức đáng-tin-cậy là căn yếu cho đức tin được khai ngộ. Không xứng với điều linh thánh, thì làm sao nhận được điều linh thánh.

Cuộc từ bỏ vĩ đại mọi thứ phàm tục trước hết nhất định phải là thấu ngộ tinh thần ưu việt này. Lời cầu nguyện tót vời đâu chỉ là đức tin; mà phải là sự chứng thực. Đó chắc chắn là phép chữa lành bệnh tật, tiêu trừ tội lỗi và thoát khỏi cái chết. Từ đó mà phân định giữa Chân lí và thói hư huyễn của những gì sai lệch.

Tôn sư của chúng ta đã dạy các môn đồ một lời cầu nguyện vắn mà ta thường gọi là Kinh Lạy Cha. Ngài bảo, anh em hãy cầu nguyện như vầy [Matthew 6:9], và Ngài dùng lời cầu nguyện ấy tóm lại tất thảy những gì con người cần đến. Hẳn là có những bất đồng sâu sắc giữa những học giả kinh Thánh, xem liệu bài Kinh Lạy Cha có bị pha tạp bởi những người ghi lại lời cầu nguyện về sau, nhưng điều đó chẳng hề làm lay chuyển chân nghĩa trong đó.

Thường ta niệm rằng, "xin cứu chúng con khỏi sự dữ" , nhưng nguyên gốc là Xin cứu chúng con khỏi quỷ dữ [Matthew 6:13]. Lối nói nguyên gốc ấy càng ủng hộ cho cách hiểu chính xác của chúng ta về cầu nguyện; và giờ những bậc thày của Khoa học Cơ đốc hẳn biết rằng "quỷ dữ", hay một kẻ dữ ác, chỉ là tên gọi khác của kẻ dối trá Thiên Chúa đầu tiên, và tất thảy những kẻ dối trá khác.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Mary Baker Eddy (1)

(Science and Health, Trích dịch)

Lời cầu nguyện đích đáng cần đến trạng thái trầm tĩnh tự vấn lương tâm, đó chính là điểm mà kẻ tội đồ bộc lộ rõ ra phần đạo đức giả của mình. Ta cần gì phải tuyệt vọng nếu có một tâm can chí thành; nhưng hi vọng thật nhỏ nhoi biết bao cho những kẻ hiếm khi nào dám đối diện với phần dữ ác trong mình cũng như tìm cách lẩn trốn khỏi sự thật đó. Lời cầu nguyện của chúng rõ là chẳng liên can gì với bản chất trong chúng. Chúng giữ sợi liên hệ giấu giếm với tội lỗi, như những lời phán định vĩnh cửu của Đức Jesus, Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế [Matthew 23:27].

Nếu một kẻ nọ, dù bề ngoài trông như thể nhiệt tâm và sùng tín lắm, hóa ra lại chẳng thuần thành và vì thế còn giả dối, thì phải nói gì về kẻ ấy đây? Nếu hắn ta quả cao thượng như lời cầu nguyện của mình, vậy được. Nếu ta thật có nguyện, biết khiêm hạ, thật tri ân, và biết yêu thương như những lời cầu nguyện của mình - thì Thiên Chúa chứng cho điều ấy; và khôn ngoan ấy là đừng có cố tự lừa mình dối người, vì Không có gì che giấu mà sẽ không tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết [Luke 12:2, Matthew 10:26]. Lời cầu nguyện ồn ào nghe hay ho thường có vẻ như tình yêu thương vô tư của ai đó - nó thật ra bao che muôn vàn tội lỗi [1 Peter 4:8]. Còn cầu nguyện cho đức khiêm hạ bằng bất cứ biểu hiện nồng nhiệt nào cũng chẳng hề nói lên nguyện vọng đích thực là như thế. Nếu ta ngoảnh mặt với kẻ bần cùng, ta thật chẳng xứng nhận được ban thưởng từ Đấng phù trợ cho kẻ nghèo hèn. Chúng ta thú nhận rằng mình có một trái tim hư đốn và cầu cho nó được phơi bày trước chính mình, nhưng liệu chúng ta có thực sẵn lòng muốn biết nhiều về trái tim ấy hay cũng chỉ nhiều đến mức như khi cho người hàng xóm biết về nó?


Hãy tự vấn lương tâm đi và học lấy những điều gì là chân đích và tình nghĩa của tâm can, vì chỉ như thế ta mới thực thấu biết xem ta lương thiện đến độ nào. Nếu có bằng hữu bảo cho ta biết điều lầm lỗi nơi ta, ta liệu có kiên nhẫn lắng nghe những lời bóc tách và cảm ơn chân thành những gì được chỉ ra ấy? Hay chúng ta lại sẽ lịch sự nói cảm ơn và bảo, "ấy, nào phải tôi đâu"? Suốt nhiều năm chính tôi đã luôn thật lòng cảm tạ những lời khiển trách đích đáng. Có cả những điều sai quấy ẩn tàng trong sự chê trách ác ý - đó là một lầm lạc sẽ không khiến ai tốt lên vì nó. 

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Ghi chép trị liệu (1)

Ghi chép trị liệu (1)

A. 
Bốn loại người qua một thời gian trị liệu được chẩn định là không thể chữa và bốn loại người không thể xá:


1. Không thể chữa cho người không đáng chữa, vì có chữa cũng sẽ lại bệnh hoạn - và nữa, không thể xá cho tội phỉ báng phương pháp trị liệu và nhà trị liệu của kẻ đã-biết-vẫn-phỉ-báng.

2. Không thể chữa cho kẻ vốn không định chữa, chỉ đi tìm một nơi để lảm nhảm - và nữa, không thể xá cho kẻ mãi bác bỏ phương pháp trị liệu và nhà trị liệu bằng thói điên loạn.

3. Không thể chữa cho kẻ giả vờ muốn chữa, vì kẻ đó cốt ý là đắm vào bệnh tật - và nữa, không thể xá cho kẻ lợi dụng phương pháp trị liệu và nhà trị liệu để tham đắm.

4. Không thể chữa cho kẻ muốn bệnh hoạn, vì kẻ đó nhất định sẽ bệnh hoạn - và nữa, không thể xá cho kẻ dùng cơn bệnh hoạn của mình để bài bác phương pháp trị liệu và nhà trị liệu.


Với những loại người này, căn bản chỉ có thể dùng thuốc (các loại thuốc đặc trị tâm thần) hoặc các phương pháp cưỡng chế bắt buộc.


B. 
1. Tôi gặp trường hợp thế này: một người nữ tìm cách phỉ báng, bác bỏ phương pháp trị liệu và nhà trị liệu suốt một thời gian dài, rồi tìm cách đổ lỗi cho phương pháp và nhà trị liệu, tự động tái lý giải quá khứ bằng những lời hằn học ác ý điên loạn bất trí. Tôi đã từ bỏ việc trị liệu cho người ấy.

2. Tôi gặp trường hợp thế này: một người nữ nọ tham đắm vào bệnh tật, cùng lúc luôn tìm cách để dùng phương pháp trị liệu biện hộ cho bệnh tật đó là đúng-lí. Sau một thời gian dài trị liệu, cô ấy bắt đầu thấy bệnh tật là đúng lí, vì giờ đã tìm ra cách để dùng ngôn từ trị liệu biện hộ cho bệnh tật. Tôi cũng đã từ bỏ việc trị liệu cho người ấy.

3. Tôi gặp trường hợp thế này: một người nam nọ dù được trị liệu và đạt được các kết quả, đã lành một số triệu chứng, vẫn cố lặp lại các triệu chứng để bác bỏ phương pháp trị liệu và sỉ nhục nhà trị liệu. Thậm chí, anh ta cố tình mắc lại các bệnh nhân gian, rồi lại tuyên bố đã theo một phương pháp trị liệu cao hơn và khỏi để sỉ nhục phương pháp trị liệu của tôi. Sau đó anh ta lại bệnh lại, nhưng đã quen che giấu bệnh tật của mình, chỉ phát tác khi nhắc đến phương pháp trị liệu của tôi. Tôi xem anh ta là bị loạn thần kinh hoàn toàn, không thể chữa trị. Tôi đã đề xuất cho anh ta xuất viện và trả về cho gia đình. Tại gia đình, anh ta cố gắng truyền bệnh cho người xung quanh để khẳng định mình. Tôi cho rằng chứng bệnh tâm thần của anh ta có xu hướng lây lan, xâm nhiễm, nên đã đề nghị cách ly.