Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Quá khứ?

1. Quá khứ hiện tại tương lai là thực tướng của đức và nghiệp, mà hư hình là Duyên. Nếu thực sự em có thể thay đổi quan niệm mà nhìn nhận mọi sự từ đức và nghiệp, thì em sẽ dần thoát khỏi ước chế của Tình, dần thấy bớt phẫn nộ, đau khổ, vui sướng, hân hoan, hồi hộp... về những gì diễn ra quanh em hoặc với em. Anh biết điều này rất khó, cảm xúc thì quá thực tại, mà toàn bộ thân người rốt cuộc lại được thiết kế để làm một căn nhà nhân gian đầy ắp êm ấm, vui buồn, hi vọng, thất vọng...

Nếu em thực tu và sau này viên mãn, em sẽ càng rõ rằng duyên và thời gian của đời người chỉ là một hạt cát kí ức mà em không còn cần biết đến nhiều, những kí ức ấy sẽ được gói ghém kĩ và cất vào một không gian bé nhỏ. Chính những gì em đã nỗ lực để tốt đẹp, để lớn lao, để tử tế, hoặc bằng tên gọi khác, để quá quan, tinh tấn, lên tầng, viên mãn... sẽ được giữ lại cho chúng sinh trong thiên giới của em. Ở nơi đó, dù là chúng sinh, linh thần, thiên vương, pháp vương...đều sẽ vận hóa, hành động, cư xử, sống, mang theo những ý niệm thuần chính, dung nhẫn như em đã viên thành trong quá trình tu luyện.

Vậy là em có thể chọn lựa giữa một bên là thời gian của làm người, một bên là thiên giới mà em sẽ khai sáng hoặc thuộc về.

2. Lại nói chuyện nghiệp và đức. Khi em giúp một ai đó như một nghĩa cử đời thường, nó không sao cả, đó là con người giúp nhau, giữa đó là có duyên nghiệp, vậy thôi. Khi giúp ai thì hãy vô tư, đừng cân nhắc thiệt hơn, đừng mong người ta báo đáp, đừng cầu người ta trân trọng... Đó là tiêu chuẩn Chân Thiện rất nhân gian. Dù em là người tu hay không, thì điều đó vẫn cần đảm bảo: không làm thì thôi, đã làm thì phải nỗ lực hết sức, đừng để lợi ích cá nhân khiến em thù hận, bực bội, so đo. Nhưng nếu em là một người tu, lại đang ở giai đoạn độ nhân, em phải hiểu rõ một số điều. Đây là những gì bạn anh viết cho anh về việc đó:

"Trước nhất, giúp một ai vượt qua cái Khổ-Nạn nào, sau này rất có thể anh phải gánh một lượng khổ-nạn tương tự. Đây là một phần chân tính của Thiện. Những người anh giúp có thể quay ra hãm hại, tiêu diệt anh: lúc này anh còn có thể Thiện nữa không. Nghĩa là, ở tầng cao một chút mà nói, sự Thiện của anh có vô tư không vậy, Nhẫn tính của cái Thiện đó đến mức nào, anh có thể bao quản chúng sinh đến đâu, anh sẽ quay ra thù ghét và phản nghịch lại chính tính Thiện của mình hay không, pháp lý hay tổn hại là quan trọng... Và những Pháp vương, chư Thần, chúng sinh... trong thiên giới của anh sau này sẽ kế thừa đặc tính đó ở nhiều mức độ.

Thứ hai, hãy biết rằng anh giúp càng nhiều, có thể phản hoại nhằm đến anh càng lớn. Khi một người được anh giúp muốn hủy diệt anh, chắc chắn họ sẽ tìm mọi lý do để thấy kẻ giúp mình là xấu xa và cần rời bỏ bằng nhiều cách. Nhưng cái Thiện có một âm hưởng mãnh liệt, nên họ sẽ tìm cách loại bỏ phần vật chất Thiện mà anh gieo vào và kết nối trong họ, bằng cách triệt để tiêu trừ ảnh hưởng của cái Thiện, ví dụ như lôi kéo, kích động người khác. Nếu họ thất bại, họ có thể sẽ thêm thù hận và dằn vặt về anh. Nếu họ thành công, có thể họ sẽ không sung sướng gì, nhưng ít nhất họ có thêm đồng loại để cùng ngồi trấn an nhau trước khi phải đối diện với báo ứng đang tới. Sự thể này, đến lượt nó, lại để xét xem anh có thể kiên định độ nhân hay không, vượt qua nó cũng chính là vượt qua được những yêu cầu căn bản của giai đoạn độ nhân, viên thành các thần thông, đặc tính của từ bi, trong đó thường có đủ cả Bi-Trí-Nguyện-Hạnh, Tứ nhiếp, Tam nhẫn các dạng.

Cuối cùng, rất nhỏ và rất quan trọng, quyết định xem anh có viên thành Thiện tính ở tầng Bồ Tát hay không, đó là anh có hoan hỉ, vui mừng, kích động khi cái ác muốn tiêu hủy anh sẽ phải đối mặt với báo ứng hay không. Hãy nhớ rằng giai đoạn này quyết định xem Từ bi, ở điểm quyết định, có thoái trào trở lại thành tình hay không".

Anh cho rằng bạn anh có ý đúng. Khi xuất thế gian pháp ở tầng La Hán, Thích Ca hoàn toàn không ưu phiền về tà ma. Quan Âm Đại sĩ thì xuất một niệm hủy của thế gian, từ đó mà có chủng tự Hum, có cuống họng của con người.

3. Có lẽ ai cũng nên cố gắng có được tâm từ bi, thuần chính. Anh nghĩ Phật chủ cũng như chư Phật hộ Pháp đều hài lòng về điều đó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.