1. Có người đọc xong các hiện tượng tâm lí đô thị, bảo anh rằng thật dễ hiểu quá, đọc xong không còn gì để nghĩ nhiều. Dĩ nhiên rồi, người ấy sống trong đô thị đã quen, có gì để mà thấy đâu. Như có người miệng thoăn thoắt rằng, đời là bến mê, người là vô minh, thuộc thập thành kinh sách. Nhưng vẫn vô minh, vẫn trong mê. Đám giả tu đó hoặc những kẻ tưởng-mình-biết ấy nào có Ngộ đâu, chỉ chăm lo vui thú sự mình giữa nhân gian ấy thôi. Người thấu hiểu tâm lí và không sa vào tâm cảm, đó là người làm anh vừa lòng.
2. Những kẻ tự tôn cũng đáng thương như đám tự ti. Đều vật lộn trong khiếm khuyết lẫn ảo tưởng về mình. Anh rất khinh những kẻ tự ti, hệt như thấy đáng cười những kẻ tự tôn. Kẻ tự ti thì lại làm ẩu loạn mà lấp tự ti của mình, hoặc theo một tôn giáo hoặc phép tu nào đó rồi nấp trốn trong đó. Kẻ tự tôn thì tưởng mình ghê gớm lắm, hóa ra cũng chỉ là cáo mượn oai hùm, vay danh Thần Phật hoặc tiền quyền (mà chúng có phân biệt đâu). Anh có một cô học trò nhỏ, chẳng tự ti về cái mình có, cũng chẳng tự tôn cái mình có. Cô ta đi như ánh trăng giữa nhân gian, thần khí như tiên hạ phàm. Dẫu lòng còn canh cánh nhiều chuyện trước sức ép nhân gian, nhưng nhân gian chẳng bám được nó nữa rồi. Ấy là người làm anh vừa lòng.
3. Anh thường nói rằng kẻ dưới đừng bàn chuyện trên, vì chúng có hiểu cái trên đâu. Có điều đó vẫn là cách chúng phát tác nhân gian trong mình. Vì tâm cảm nào chúng thích bàn chuyện trên, nói đến Thần Phật như vậy? Không sửa được mình thì thôi, đừng lấy Thần Phật nào làm cớ, càng nghe càng đáng xem thường, thật là mạt hạng ti tiện. Người bước vào chỗ gọi là tu luyện ấy còn chưa đủ 5 năm, Ngũ Trí còn chưa đọc hết 10 lần, thì nhét vào đầu người ta Thần này Phật nọ làm gì? Định thị uy hay ra oai? Nhân danh cái gì? Anh có biết một người nọ, chuyện tu luyện để trong lòng, thành kính đọc kinh Phật, âm thầm chỉnh sửa cá nhân, làm tốt mọi việc ở đời, giữ vẹn đạo nghĩa mà không sa vào toan tính. Chắc chắn người ấy làm anh vừa lòng.
4. Bản tính con người, đáng xấu hổ là tính thích can dự chuyện người khác. Đáng xấu hổ hơn là mượn cớ bảo thủ cực đoan vào tính cách của mình mà không biết tôn trọng người khác. Đáng chê trách nhất là vì nó mà gây hại cho người khác. Nên kẻ nào không biết tôn trọng người khác, thì đừng mong người ta tôn trọng mình, càng đừng mong ai trên đời thương cảm mình. Kẻ đó sống thì sống, chết đi cũng không ai thương. Kẻ nào thích can dự chuyện người chỉ vì rảnh quá, thì thật sống quá uổng phí, thà nhường cái mạng đó cho người tử tế còn hơn. Còn kẻ nào chuyên gây hại cho người khác, thì thà đừng sinh ra. Anh sống ở đời, cần thay đổi thì thay đổi, cần sửa thì sửa, không vì mình mà hại người, không vì người mà hại người khác, cái gì làm tốt được cho lợi ích chung, nhất định nên làm, cái gì chỉ tốt cho mình thì không để dây dưa đụng chạm vào người khác. Anh thật thấy vừa lòng về mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.