Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Phẫn Nộ Đại Tôn Giả

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Mỗi bước đến Thần

1. Khi xử lý một văn bản, có một tâm lí rất dễ xuất sinh: gọi những vấn đề còn tồn tại trong văn bản và cần làm tốt hơn là Lỗi. Với tâm lí của một nhà trị liệu, anh thấy đó là một hiện tượng rất thú vị.

Trước hết, tâm lí tìm Lỗi giúp người ta có cảm giác làm chủ tình huống và bảo vệ các trạng thái hiện có. Ví dụ em ghen tị với một người, tâm trí em rà soát và cố chỉ ra lỗi của người ấy, người ấy một khi bị em xem là có Lỗi, thì em ko cần lí giải người ta nữa. Đó là lí do các biên tập viên của các nhà sách muốn tiếp thu phần tinh tế cẩn mật của các cuốn sách họ làm đều thất bại. Họ đọc xong, hiểu ra vài điều, và gần như không ghi nhớ nổi chỗ đặc sắc của cuốn sách.

Sau tâm lí tìm Lỗi còn là một loại tâm lí đố kị. Một tư duy lành mạnh ở một mức bao giờ cũng dựa trên tiêu chuẩn của mức ấy mà xét xem điều gì đã ổn, điều gì còn cần khắc phục và làm tốt. Nhưng một tư duy không lành mạnh do luôn thấy mình thua thiệt, thất thế, hay phải tủi hổ và mất đi kiêu hãnh, thường tìm lỗi ở mọi điều xung quanh họ. 

Lại nữa, sau tâm lí tủi hổ ấy lại là một loạt các tâm lí khác. Tham sắc. Háo danh. Trục lợi. Những tâm lí này đều gây ra tổn thương khi một người sống trong cuộc đời mà không thỏa mãn. Mỗi điều không thỏa mãn lại cần một chỗ trút: nếu không trút vào một đối tượng để thỏa mãn, thì sẽ chuyển sang một đối tượng để chỉ trích. Đây là cội nguồn sâu thẳm hơn của tâm lí tìm/vạch Lỗi.

2. Xưa kia, khi đối diện với các văn bản của Thần, người sao chép nó trước hết bắt đầu với tinh thần phụng sự, cống hiến. Để bắt tay vào làm công việc đó, họ phải là người trong môn phái, giữ mình, tắm rửa sạch sẽ, ngày ngày đều cần nhẫn im lặng phụng sự như vậy. Khi có vấn đề, họ trao đổi tìm cách làm sao để mọi việc đúng ý của Thần hơn. Nếu họ không tự quyết được, họ quỳ phụng dưới Thần xin được thêm trí huệ để làm tốt hơn nữa. Chỉ cần được nghe biết lời Thần, họ dám trải qua 81 nạn, nạn nào cũng có thể tiêu hủy tận triệt họ như con đường của Huyền Trang.

Những nhân viên của Thần ngày nay không có đức lí ấy, mà bước vào việc phụng sự các văn bản của Thần với một tâm thái sục sôi bới móc. Họ chỉ thấy lỗi, bằng lòng với những gì mình thấy, và thậm chí không nhận ra ngay vào khoảnh khắc thỏa mãn với điều đó họ bỗng không còn gần cận cũng không còn tiếp thu nổi điều gì Thần Khải. 

Có một hạng  nữa, sau khi dịch văn bản của Thần, do một dạng khác của tâm lí tìm Lỗi, mà khăng khăng dẫu tự họ làm lệch ý của Thần cũng phải giữ nguyên văn bản như vậy.

Hai hạng tìm Lỗi ấy đều không biết: điều mấu chốt là lời của Thần, Trí huệ họ được ban cho và lòng phụng sự thành kính trang nghiêm.

3. Trên mỗi bước đi đến gần dưới chân của Ngài để được phụng sự, con người phải bỏ nhân tâm xuống. Nhưng nếu cũng không có khả năng nhận ra nhân tâm của mình, thì không thể đi được. Họ dậm chân tại chỗ, và có xu hướng tìm Lỗi ở khắp nơi.

Cho nên có người gặp ngũ Trí lập tức thấy Như Lai.

Có người diện kiến, trò chuyện với Như Lai chỉ thấy con người, thậm chí: chỉ thấy mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.